Soi lô đất quây tôn, trồng chuối ở Hà Nội giá vài trăm triệu đồng mỗi m2

(Dân trí) - Lô đất trồng chuối ở Hà Nội vừa trúng đấu giá 360 triệu đồng/m2; Sắp thanh tra diện rộng việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Cận cảnh lô đất trồng chuối ở Hà Nội vừa trúng đấu giá 360 triệu đồng/m2

Mới đây, phiên đấu giá 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng được giới đầu tư chú ý. Tại phiên đấu giá, hàng trăm đầu tư có mặt dù mức giá khởi điểm lên tới gần 200 triệu đồng/m2.

25 lô đất được đem ra đấu giá có diện tích nhỏ nhất khoảng 38,1 m2, lớn nhất là 84,8 m2. Mức giá khởi điểm dao động 104,7 - 182,3 triệu đồng/m2m, tùy từng vị trí.

Kết quả, với mức giá trúng cao hơn giá khởi điểm 2 - 2,5 lần, hàng trăm nhà đầu tư nộp hồ sơ đã ra về "trắng tay". Đáng chú ý, trong số 25 lô đất này, có lô B12 diện tích 44,5 m2, với vị trí lô góc ở mặt phố Dương Khuê (Mai Dịch, Cầu Giấy) có mức giá khởi điểm là 182,3 triệu đồng/m2 và mức giá trúng lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gần gấp 2 lần so với giá khởi điểm.

Soi lô đất quây tôn, trồng chuối ở Hà Nội giá vài trăm triệu đồng mỗi m2 - 1

Lô đất có giá trúng 364 triệu đồng/m2 đang được quây tôn xung quanh, bên trong trồng chuối (Ảnh: T.K).

Sắp thanh tra diện rộng việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư

Thanh tra Bộ Xây dựng vừa báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc triển khai thanh tra hai chuyên đề diện rộng. Trong đó, Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị tổ chức thực hiện hoặc chỉ đạo, hướng dẫn Thanh tra Sở Xây dựng thực hiện thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Phạm vi thanh tra theo đề xuất dự kiến diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Năm 2021, công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư cũng là một trong những vấn đề được Thanh tra Bộ Xây dựng đẩy mạnh với 18 kết luận thanh tra được ký ban hành.

Qua thanh tra buộc 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán số liệu để chuyển sang ngay trong vòng 10 ngày cho ban quản trị nhà chung cư, tổng số kinh phí bảo trì là hơn 344,96 tỷ đồng. Đồng thời buộc chủ đầu tư trả lại trong thời hạn 20 ngày với diện tích 2.080 m2 lấn chiếm phần sở hữu, sử dụng chung về cho cư dân

Soi lô đất quây tôn, trồng chuối ở Hà Nội giá vài trăm triệu đồng mỗi m2 - 2

Phạm vi thanh tra về quỹ bảo trì theo đề xuất của cơ quan thanh tra dự kiến diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước (Ảnh: Đỗ Quân).

 Vụ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội: Sắp thanh tra loạt dự án khu đô thị

Thông tin trên vừa được đưa ra tại hội nghị báo cáo kết quả công tác thanh tra 10 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm và dự kiến kế hoạch năm 2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng diễn ra ngày 3/11.

Báo cáo Bộ trưởng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng - đề xuất kế hoạch thanh tra năm 2022. Thanh tra Bộ Xây dựng dự kiến tiến hành thanh tra hành chính từ 2 đến 3 đoàn.

Ngoài ra thanh tra chuyên ngành từ 5 đến 8 đoàn, bao gồm việc quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số dự án do bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư (từ 2 đến 3 đoàn); việc quản lý nhà nước về xây dựng của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ 2 đến 3 tỉnh) trong 7 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Đáng chú ý, năm 2022, Thanh tra Bộ xây dựng đề xuất thực hiện 2 chuyên đề diện rộng. Trong đó nội dung chuyên đề 1 về thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn tỉnh (thành phố); Nội dung chuyên đề 2 về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Đề xuất mọi thanh toán giao dịch bất động sản phải qua ngân hàng

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý Đề cương Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Theo đó, lãnh đạo HoREA đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng vào dự thảo đề cương.

Đề xuất này theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - để thực hiện Luật Phòng chống rửa tiền 2012 và Nghị định 116 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền.

Ngoài ra, ông Châu cũng cho biết, HoREA đề nghị bỏ Điều 14 "Dự thảo Đề cương", không bổ sung quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Nơi cho thuê mặt bằng đắt nhất thế giới: Thời kỳ 1 triệu USD/tháng đã qua

Theo dữ liệu từ Cushman & Wakefield, giá thuê mặt bằng tại 3 trong số những khu vực mua sắm hàng đầu của Hồng Kông đang ở mức gần thấp nhất trong hơn một thập kỷ.

Soi lô đất quây tôn, trồng chuối ở Hà Nội giá vài trăm triệu đồng mỗi m2 - 3

Giá thuê mặt bằng tại một số khu vực mua sắm hàng đầu của Hồng Kông đang ở mức gần thấp nhất trong hơn một thập kỷ (Ảnh: Bloomberg).

Tại con phố mua sắm sầm uất nhất Hồng Kông - Russell, các chủ mặt bằng đang chào thuê với mức giảm gần 80% so với mức cao nhất cách đây 8 năm. Các mặt bằng ở Vịnh Causeway, từng được xếp hạng là nơi cho thuê cửa hàng đắt nhất thế giới cho đến năm 2019, giờ cũng không còn được ghi nhận.

Điều này khiến cho tài sản của những gia đình khá giả và những nhà đầu tư cá nhân đứng sau những điểm bán lẻ đắt giá này giảm mạnh.

Trước đây, giới bán lẻ Hồng Kông từng kỳ vọng vào khách du lịch Trung Quốc đại lục giàu có - những người không tiếc tiền cho túi xách, đồng hồ và mỹ phẩm cao cấp. Nhưng giờ đây, sau cuộc biểu tình năm 2019, những cửa hàng từng bán đồng hồ Thụy Sĩ nay trở thành các điểm bán điện thoại di động giá rẻ. Một số biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 ở Trung Quốc đang ngăn cản những du khách giàu có từ Trung Quốc sang Hồng Kông mua sắm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm