Số liệu gây sốc về bất động sản dở dang ở Trung Quốc

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Tính đến cuối năm 2022, quy mô của những căn nhà đã bán trước cho khách hàng nhưng chưa được hoàn thiện ở Trung Quốc lớn gấp 20 lần quy mô của tập đoàn Country Garden.

Country Garden từng là một trong các nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh số. Tuy vậy, ông lớn bất động sản này trượt dốc không phanh trong năm nay, vỡ nợ một lô trái phiếu bằng USD vào tháng trước.

"Chúng tôi ước tính toàn thị trường có khoảng 20 triệu căn nhà đã được bán trước cho khách hàng, nhưng chưa được xây dựng hoàn tất", Ting Lu, kinh tế trưởng tại Ngân hàng Nomura, chia sẻ với CNBC.

Theo các chuyên viên phân tích Nomura, Trung Quốc cần khoảng 3.200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 10,7 triệu tỷ đồng) để hoàn tất xây dựng các căn nhà này.

Các căn nhà ở Trung Quốc thường được bán trước khi hoàn tất và hiện Chính phủ nước này đang ưu tiên xây dựng và giao nhà cho người mua. Bởi nếu trì hoãn giao nhà, người dân sẽ không sẵn lòng mua các căn hộ mới. Từ đó, doanh thu của các công ty bất động sản giảm và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng hiện tại.

Số liệu gây sốc về bất động sản dở dang ở Trung Quốc - 1

Công trường một dự án của Country Garden tại Thiên Tân vắng bóng công nhân (Ảnh: Reuters).

Theo Nomura, giữa bối cảnh lĩnh vực bất động sản khủng hoảng và nhiều công ty vỡ nợ, người mua có thể sẽ mất kiên nhẫn hơn khi phải chờ đợi các ngôi nhà họ mới mua được bàn giao.

Sang năm 2024, vấn đề bàn giao nhà có thể sẽ gây ra bất ổn xã hội và Bắc Kinh có thể sẽ cần phải đẩy mạnh chính sách hỗ trợ. Các chuyên gia cho rằng những hỗ trợ mạnh hơn của Chính phủ là chìa khóa để phục hồi niềm tin vào thị trường bất động sản và nền kinh tế Trung Quốc.

Năm ngoái, nhiều người mua nhà tại Trung Quốc đã quyết định không trả khoản vay thế chấp mua nhà do quá trình xây dựng bị chậm trễ kéo dài.

"Nếu số lượng nhà mới được hoàn thiện trong năm nay tăng 20% thì các nhà phát triển bất động sản cũng sẽ chỉ bàn giao được 48% lượng nhà đã bán trước trong giai đoạn 2015-2020. Điều này đồng nghĩa với việc 52% các căn nhà còn lại tiếp tục bị trì hoãn", các chuyên gia phân tích của Nomura nhận định với CNBC.

Các công ty bất động sản lâm vào cảnh khủng hoảng thanh khoản kể từ khi Bắc Kinh khởi động chiến lược kiểm soát đòn bẩy trong lĩnh vực bất động sản. Các hạn chế chống dịch Covid-19 cũng cản trở quá trình thi công.

Theo CNBC