So khả năng kiếm lời của đại gia Hòa Bình với Ricons, Coteccons, Hưng Thịnh

Mộc An

(Dân trí) - 9 tháng đầu năm 2022, Hòa Bình đứng đầu thị trường với doanh thu thuần 10.904 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ số ROA, ROE của Hòa Bình lại thua xa các công ty khác.

Ngay từ đầu năm mới 2023, thị trường chứng khoán đón nhận những thông tin liên quan đến mâu thuẫn tại thượng tầng tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC).

"Cuộc chiến vương quyền" đang diễn ra tại Tập đoàn Hòa Bình khiến không ít người liên tưởng tới câu chuyện tranh giành nội bộ của Công ty cổ phần xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) vài năm trước.

Dù chưa biết câu chuyện này sẽ diễn biến tiếp theo ra sao nhưng trên thị trường, một số ý kiến người lo ngại quyền lợi của cổ đông cũng như hoạt động kinh doanh của Hòa Bình sẽ gặp nhiều bất lợi. Hiện đại gia ngành thầu xây dựng này kiếm tiền ra sao cho cổ đông so với các công ty khác trên sàn chứng khoán?

Quán quân về doanh thu

Xem xét con số tuyệt đối kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2022 của 8 công ty xây dựng lớn thì Tập đoàn Hòa Bình đứng đầu bảng về doanh thu thuần.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, công ty này đạt 10.904 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này tương đương với mức thực hiện 62,3% so với kế hoạch 17.500 tỷ đồng.

Vị trí thứ 2 thuộc về Công ty cổ phần Xây dựng Ricons với mức doanh thu thuần 8.356 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng trưởng 67% so với cùng kỳ.

Các công ty xây dựng này đều có mức tăng trưởng doanh thu 21-67% so với năm 2021 do bối cảnh giãn cách xã hội trong năm ngoái ảnh hưởng tới hoạt động xây dựng.

Dù doanh thu thuần tăng tốt nhưng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hòa Bình trong 9 tháng ghi nhận hơn 61 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức này chỉ tương đương 17,5% kế hoạch 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế mà công ty đã đặt ra hồi đầu năm.

Về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (mã chứng khoán: HTN) đứng đầu với mức 133 tỷ đồng, tiếp sau đó là Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 (mã chứng khoán: C4G) với 110 tỷ đồng.

Trong khi hầu hết công ty đều có sự sụt giảm lợi nhuận sau thuế thì Cienco4 tăng tới 96%. Ricons cũng có mức tăng 31%.

... nhưng chỉ số sinh lời khiêm tốn

Mặc dù doanh thu cao nhất trong nhóm các công ty xây dựng được xem xét nhưng lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm giảm 16% nên sức sinh lợi của doanh thu thuần (Return on sales - ROS) của Hòa Bình khá thấp so với các doanh nghiệp khác, ở mức 0,56%.

Hiểu một cách đơn giản, cứ 100 đồng doanh thu thuần tạo ra Hòa Bình chỉ đem lại được 0,56 đồng lợi nhuận sau thuế. Còn Coteccons chỉ có vỏn vẹn 0,02%.

Khá nhất trong các doanh nghiệp xây dựng là Cienco4 với mức 5,37%, Hưng Thịnh là 3,13%.

Để đánh giá khả năng sinh lời, một chỉ tiêu rất quan trọng là tỷ suất sinh lợi của tài sản (Return on Total Assets - ROA). Tỷ suất này cho biết một đơn vị tài sản bình quân đưa vào kinh doanh đem lại bao nhiêu đơn vị lợi nhuận sau thuế. Tỷ suất này càng lớn chứng tỏ hiệu quả kinh tế của việc sử dụng tài sản càng cao và ngược lại.

ROA 9 tháng đầu năm của Tập đoàn Hòa Bình đạt 0,35%. Đơn vị có mức tỷ suất này cao nhất là Hưng Thịnh với 1,65%.

Một chỉ tiêu rất quan trọng được các cổ đông quan tâm là tỷ suất sinh lợi của vốn chủ sở hữu (Return on equity - ROE). Con số này phản ánh một đồng vốn chủ sở hữu đem lại bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế.

Trị số của ROE càng cao, chứng tỏ doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả vốn chủ sở hữu và do vậy càng hấp dẫn các nhà đầu tư.

ROE 9 tháng đầu năm của Hòa Bình ở mức 1,56%. Doanh nghiệp có ROE cao nhất là Hưng Thịnh với 8,41%, tiếp theo là Cienco4 với 5,89%.