Sau một năm kinh doanh "trầy trật" và “thay máu”, Vinaconex tính toán gì cho 2019?

(Dân trí) - Ngày 28/6 tới đây Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã chứng khoán VCG) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019. Đây là năm đầu tiên Vinaconex tổ chức ĐHĐCĐ thường niên với sự chủ trì của Hội đồng quản trị mới.

Trước đó, do những vấn đề liên quan đến kiện tụng về tính hợp pháp của HĐQT. HĐQT của Vinaconex từng bị Toà án nhân dân Q. Đông Đa đình chỉ, dẫn đến phiên họp ĐHĐCĐ thường niên dự kiến diễn ra hồi tháng 4 vừa qua bị trì hoãn.

Theo ghi nhận của HĐQT, trong năm 2018, Vinaconex đạt 10.084 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, bằng 84,4% thực hiện năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 639 tỷ đồng, chỉ bằng 39,2% năm trước.

Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2018 của tổng công ty này thấp hơn so với thực hiện năm 2017 là do năm 2017 Vinaconex có khoản thu nhập lớn bất thường từ việc thoái 100% phần vốn góp tại Công ty CP Nước sạch Viwasupco.

Sau một năm kinh doanh trầy trật và “thay máu”, Vinaconex tính toán gì cho 2019? - 1

Vinaconex vừa bước qua một năm 2018 và nửa đầu năm 2019 với nhiều biến động

HĐQT Vinaconex cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, tổng công ty này còn một số tồn tại, cụ thể, kết quả hoạt động hai lĩnh vực cốt lõi là xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản đạt được trong năm 2018 còn hạn chế. Giá trị lợi nhuận của cả hai lĩnh vực này cộng lại chỉ chiếm khoảng 28% tổng lợi nhuận năm 2018 của Vinaconex.

Trong lĩnh vực xây dựng, Vinaconex chưa được lựa chọn tham gia các dự án quy mô lớn để đảm bảo nguồn việc liên tục và chuyển tiếp giữa các năm. Mô hình quản lý xây lắp còn chưa tinh gọn dẫn đến tăng chi phí quản lý, giảm lợi nhuận và năng lực cạnh tranh; một số dự án xây lắp dở dang kéo dài qua nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực bất động sản, ngoài các dự án nhỏ chuyển tiếp, Vinaconex chưa triển khai mới được dự án nào trong năm 2018 mà chỉ dừng lại ở bước nghiên cứu và chuẩn bị. Dự án khu đô thị Splendora sau khi tái khởi động lại thông qua việc thực hiện khu đô thị BT5 hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

HĐQT cũng cho biết trong dự thảo báo cáo ĐHĐCĐ, việc hai cổ đông lớn đại diện vốn Nhà nước (SCIC và Viettel) thực hiện thoái vốn trong năm 2018 đã ảnh hưởng phần nào đến hoạt động của Vinaconex khi các lĩnh vực kinh doanh như đầu tư, tái cấu trúc vốn… không được triển khai theo kế hoạch.

Việc triển khai thủ tục giải thể, phá sản tại một số đơn vị yếu kém, chỉ còn tồn tại về mặt pháp lý (như Công ty CP Vận tải Vinaconex, Công ty CP Vipaco, Công ty CP Xuân Mai Đà Nẵng, Công ty CP Vinaconex Mart, Công ty XD số 4) chưa được triển khai do các quy định pháp lý liên quan chức thật sự cụ thể, rõ ràng.

Năm 2019 được xem là năm đầu tiên Vinaconex hoạt động theo mô hình công ty cổ phần không còn phần vốn góp của Nhà nước.

Vinaconex dự kiến doanh thu hợp nhất khoảng 10.100 tỷ đồng (tăng nhẹ so với 2018) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 743 tỷ đồng, tăng 16% so với lợi nhuận đạt được năm 2018.

Trong năm nay, Vinaconex cho biết sẽ tiếp tục triển khai các dự án đầu tư hiện có đồng thời tăng cường tìm kiếm các dự án mới tại các thành phố, địa phương có tiềm năng phát triển như: Quảng Ninh, Quảng Nam, Quy Nhơn, Nha Trang, TPHCM.

Về công tác đầu tư cụ thể, năm 2019, tổng công ty này tiếp tục mở bán và bàn giao nốt các căn hộ tại dự án 2B Vinata, dự án Bohemia tại 25 Nguyễn Huy Tưởng và 97-99 Láng Hạ. Đồng thời triển khai đầu tư dự án Chung cư cao cấp tại số 93 Láng Hạ.

Bên cạnh đó công ty tiếp tục triển khai xây dựng khu đô thị Splendora, đầu tư dự án khu đô thị tại Thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, tiếp tục triển khai dự án Cát Bà Amaina, đẩy mạnh GPMB và triển khai dự án Khu đô thị mới Thiên Ân, khu dân cư Ngân Câu, đồng thời xin chủ trương kết hợp đầu tư văn phòng, chung cư trên mảnh đất 442 Lê Hồng Phong, Nha Trang...

Mai Chi