Sau chục năm Hà Đông lên quận: Giá đất nhiều nơi vẫn rẻ bèo, dân buôn ngậm đắng
(Dân trí) - Thông tin Hà Nội lập đề án đưa 4 huyện: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì lên quận vào năm 2020 khiến giá đất tại những nơi này tăng chóng mặt. Tuy nhiên, bài học về cơn sốt đất ở Hà Đông năm nào vẫn là bài học lớn cho các nhà đầu tư có dự định lướt sóng thời điểm này.
Lên quận đất vẫn rẻ bèo
UBND thành phố đã nghiên cứu, hoàn thiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, báo cáo Thành ủy để tổng hợp, trình Bộ Chính trị, đồng thời, hoàn thiện các đề án xây dựng các huyện: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì thành quận vào năm 2020.
Mặc dù mới chỉ đang là đề án, song thông tin này đã khiến thị trường bất động sản tại 4 huyện nói trên trở nên sốt nóng hơn. Đây cũng là cái cớ để giới đầu nậu, cò đất dựa vào thổi giá kiếm lời.
Ông Nguyễn Văn Đính – Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, thông tin đưa huyện lên quận sẽ kích thích các nhà đầu tư, tạo ra tâm lý đầu tư để hưởng lợi.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cảnh báo nếu các nhà đầu tư vì chạy theo những tin đồn kiểu như lên huyện hay thành đặc khu thì dễ khiến bất động sản tại những nơi này bị thổi giá, làm méo mó, hỗn loạn thị trường…
Nếu không tỉnh táo, nhiều nhà đầu tư có thể ngậm trái đắng khi đầu tư kiểu phong trào, lướt sóng. Thực trạng tại 4 huyện nói trên cũng khiến người ta liên tưởng đến thị trường địa ốc Hà Đông thời điểm lên quận những năm 2009.
Chị Minh, một nhà đầu tư bất động sản nhớ lại: Thời điểm đó ở Hà Đông, đặc biệt những khu vực như Đồng Mai, Biên Giang, Dương Nội… giới đầu tư càn quét khắp nơi. Đất đai tăng giá chóng mặt, nhiều người mua bán sang tay có mấy bữa mà kiếm tiền trăm triệu như không, đi cùng với đó nhiều gia đình đổi đời nhờ bán đất.
“Tôi cũng rủ một chị bạn gom tiền mua mảnh đất hơn 60m2 khu vực Đồng Mai, bữa đó là 20 triệu đồng/m2. Chỗ đó xa xôi lại không tiện đường xá, nhưng nghe lời “dụ” của môi giới, chúng tôi không ngại ngần bỏ hơn 1 tỷ đồng ra mua để sau đó ít lâu thì nhận trái đắng. Thị trường mau chóng bình ổn, cơn sốt đi qua, gọi người mua lại họ chỉ trả cỡ 5-6 triệu đồng/m2”, chị Minh kể.
Thực tế theo khảo sát của phóng viên hiện nay, giá đất nhiều khu vực ở Hà Đông được rao bán khá rẻ, thấp hơn nhiều so với thời điểm những nằm 2007-2009. Tại phường Đồng Mai, nhiều miếng đất được rao bán loanh quanh 5-7 triệu đồng.
Ông K (Tổ 11, phường Đồng Mai) vừa nói vừa chỉ vào miếng đất trước nhà: “Thời điểm Hà Đông chuẩn bị lên quận, đất sốt hầm hập, có người vào trả tôi 25 triệu đồng/m2 nhưng tôi không bán. Giờ 10 triệu đồng/m2 cũng không có người mua”.
Trường hợp mua xong rớt giá như chị Minh hay ngập ngừng không bán giá cao để rồi tiếc nuối như ông K không phải ít.
Một chuyên gia về bất động sản bình luận, dù là huyện hay lên quận đều phải có các tiêu chí rõ ràng nếu muốn đầu tư. Trong đó yếu tố phát triển hạ tầng đặc biệt quan trọng. Lên quận đồng thời với việc phát triển hạ tầng, giao thông thuận tiện thì mới phát triển được.
Ngược lại, nếu hạ tầng không đồng bộ, giao thông bất tiện, không có tiềm năng để khai thác các vấn đề như thương mại thì sẽ rất khó khăn trong việc làm tăng giá trị bất động sản khu vực đó.
Không nên nóng vội chạy theo thông tin ảo
Liên quan đến câu chuyện sốt ảo, thời gian qua cũng đã có nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo các nhà đầu tư không nên chạy theo tin đồn để kiếm lời. Nếu muốn đầu tư phải dựa vào tiềm năng phát triển thực tế trong đó vị trí là yếu tố quan trọng. Vị trí tạo nên giá trị và cơ sở để xác định tỷ suất sinh lời của bất động sản. Lựa chọn bất động sản có vị trí tốt đồng nghĩa với việc tài sản đầu tư có tiềm năng phát triển. Tiếp đến các vấn đề như quy hoạch hạ tầng xã hội và kết nối giao thông… cũng cần được chú trọng.
Tại Hội thảo "Tiêu điểm Bất động sản quý I - Xu hướng & cơ hội đầu tư quý II/2019” vừa diễn ra tại Sầm Sơn, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng đã đưa ra cảnh báo liên quan đến vấn đề sốt đất tại những khu vực có thông tin quy hoạch từ huyện lên quận, lên thành phố.
“Ở loại hình đất nền này, sốt đất có một phần của chính quyền địa phương, một phần là do môi giới, có giao dịch mới có nguồn thu, nên nhiều môi giới đẩy lên thành sốt đất, khiến nhiều nhà đầu tư chạy theo tâm lý bầy đàn”, ông Khởi cho biết.
“Khi nào thông tin rõ ràng, minh bạch (ví dụ sáp nhập tỉnh thành, lên thành phố, lên quận) thì thị trường mới bớt sốt ảo, và không chạy theo tin đồn theo tâm lý đám đông", ông Khởi nói thêm.
Trước giả định về việc nếu như tin đồn 3 tháng sau thành thật thì sẽ như thế nào, ông Khởi cho rằng, độ trễ của thông tin thị trường bất động sản thường rất lâu. Thường hai năm sau mới thành thật, trong khi con sốt chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Nếu như một năm sau mà thông tin đẩy sốt đất không thành thật thì sốt đất sẽ "xẹp" ngay.
Chốt lại vấn đề này, ông Khởi cho rằng, tóm lại các nhà đầu tư không nên nóng vội chạy theo thông tin ảo.
Nguyễn Mạnh