Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Xây đường 2 bên sông, 6-8 làn xe

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết, việc xây dựng tuyến đường 2 bên ven sông, tạo thành hai trục giao thông song song vừa để kết nối, vừa là ranh giới chống lấn chiếm ở dân cư ven sông.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Xây đường 2 bên sông, 6-8 làn xe - 1

Một số bãi ven sông Hồng sẽ phát triển không gian mở tùy từng địa hình như quảng trường, công viên, phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng cao, du lịch ven sông... (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tại tọa đàm "Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng" do Diễn Đàn Doanh Nghiệp vừa tổ chức, nhiều bàn luận được đưa ra xung quanh quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng của Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội - cho biết, phân khu đô thị sông Hồng được xác định dựa trên dân số của 53 phường xã  thuộc 13 quận huyện Hà Nội.

Mặc dù khu vực ngoài đê sông Hồng là khu vực hạn chế phát triển của Thành phố trong nhiều năm qua song qua các số liệu điều tra hiện trạng và các nghiên cứu trước đây, dân số trong khu vực vẫn tăng dần theo từng năm với mức tăng tương đối cao. Dân cư trong khu vực nghiên cứu khoảng 235.000 người.

Đề cập đến một trong những nội dung quan trong quy hoạch phân khu, bà Hương cho biết sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy, phát triển các hướng tiếp cận với sông Hồng, kết nối giao thông dọc sông và qua sông cho các loại phương tiện.

Trong đó có việc xây dựng tuyến đường 2 bên ven sông, tạo thành hai trục giao thông song song, kết nối dọc sông, quy mô có thể 6-8 làn xe tùy đoạn. Tuyến đường này góp phần cải tạo chỉnh trang diện mạo đô thị, là ranh giới chống lấn chiếm của dân cư ven sông.

"Đồng thời sẽ xây dựng các công viên cảnh quan, để tạo thành không gian xanh ven sông. Khoanh vùng các vùng dân cư được tồn tại bảo vệ, từ đó bổ sung các công trình công cộng...", bà Hương cho hay.

Cũng theo bà Hương, Viện đề xuất sẽ có một số bãi sông được ưu tiên quỹ đất tái thiết đô thị, bổ sung nhà ở tái định cư, các công trình công cộng phục vụ cư dân, gánh bớt quá tải khu vực nội đô…

"Các bãi sông còn lại phát triển không gian mở tùy từng địa hình như quảng trường, công viên, phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng cao, du lịch ven sông", bà Lan cho hay.

Nhìn chung, theo bà Hương, giải pháp quy hoạch quy hoạch phân khu được thiết kế để đảm bảo toàn diện các yêu cầu về an toàn phòng, chống lũ, cải tạo chỉnh trang và tái thiết đô thị, ổn định và nâng cao đời sống cho dân cư hai bên sông. Thay vì "quay lưng" thì thành phố sẽ "quay mặt" lại với sông Hồng.

"Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ để xin ý kiến Bộ Xây dựng theo quy định", bà Hương cho hay.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng, quy hoạch lần này cần giải quyết được vấn đề tái định cư, di dân cho dân cư ngoài bãi sông Hồng.

Đặc biệt, khi làm được hai tuyến đường dọc 2 bên sông, ông Chiến cho rằng điều này sẽ xây dựng được chỉ giới đỏ, tạo được thành phố hai bên sông. "Kể cả nhà dân nếu còn tồn tại cũng sẽ quay mặt lại sông chứ không quay lưng vào sông như trước đây nữa", ông Chiến nói.

Một trong những vấn đề ông Chiến băn khoăn đó là nguồn lực ở đâu để thực hiện, không thể gây áp lực lớn lên cho ngân sách nhà nước.

"Chúng ta được huy động nguồn lực từ nhiều hình thức xã hội hóa, BT… nhưng dù hình thức nào muốn hấp dẫn được nhà đầu tư phải chỉ rõ được quỹ đất. Đồng thời đảm bảo được quỹ đất đó về quy hoạch sẽ đảm bảo đầu tư và sinh lời cho nhà đầu tư. Do đó, các nhà quy hoạch phải xắn tay lên tính trước vấn đề này, chỉ rõ những điều này. Quỹ đất có thể khai thác được bao nhiêu, nằm ở đâu", ông Chiến cho hay.

Cũng tại tọa đàm, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cho biết Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... Đặc biệt Bộ sẽ tập trung nghiên cứu, trình ban hành và triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040.

Đây là những cơ sở cần thiết góp phần ổn định và cân đối cung cầu nhà ở, góp phần ổn định thị trường bất động sản cũng như tạo điều kiện cho việc đầu tư các dự án mới có thể hình trong tương lai khi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được thông qua.