Quy hoạch đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu: khát vọng thành nơi đáng sống
(Dân trí) - Những đồ án quy hoạch có tầm nhìn xa, khai thác tốt thế mạnh của từng địa phương đang giúp Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Tầm nhìn xa, quyết liệt trong công tác lập quy hoạch
Sau hơn 30 năm thành lập, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương đi đầu trong công tác quy hoạch đô thị. Cho đến nay, các đô thị của tỉnh đã phủ kín quy hoạch, phát huy thế mạnh riêng để phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Thành phố Vũng Tàu tập trung phát triển dịch vụ du lịch nhờ bờ biển trải dài hơn 300 km, nước biển trong xanh, không khí mát lành.
Thành phố Bà Rịa phát triển với chức năng là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - xã hội với lợi thế tâm điểm của 3 tuyến quốc lộ quốc lộ 51, quốc lộ 56, quốc lộ 55 kết nối vùng Đông Nam Bộ.
Thị xã Phú Mỹ phát triển chức năng công nghiệp, dịch vụ cảng, logistics nhờ hệ thống cảng biển hiện đại, nổi bật là cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.
Trong bản Nghị quyết quy hoạch Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh này đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc trung ương với các trụ cột kinh tế gồm công nghiệp, cảng biển và logistics, du lịch và đô thị, dịch vụ.
Kế hoạch hành động số 58/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW cũng đề xuất đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm nâng cao chất lượng đô thị, bảo đảm hiện đại, thông minh, kết nối với các đô thị lớn trong khu vực và thế giới.
Theo đó, các đô thị tại Bà Rịa - Vũng Tàu được định hướng phát triển theo hướng đô thị xanh và bền vững, tăng cường không gian xanh, bảo vệ các vùng sinh thái, cảnh quan tự nhiên đặc trưng, nguồn nước và các hành lang xanh; khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, phát triển mô hình đô thị nén, hạn chế mở rộng phát triển trên diện rộng; xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại, tiện nghi, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ bố trí không gian phát triển theo 4 vùng chức năng gồm: công nghiệp cảng biển; du lịch; nông nghiệp và vùng biển hải đảo. Ba trục động lực phát triển sẽ được thành lập là trục động lực dọc sông Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và quốc lộ 51; dọc đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 4; dọc đường ĐT994 và đường trục kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đại diện thành phố Bà Rịa cho biết, địa phương này sẽ tiếp tục triển khai và phối hợp với các sở, ban, ngành, chủ đầu tư hoàn thành các công trình trọng điểm như: dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; mở rộng đường Cách mạng Tháng Tám; nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 52…
Đặc biệt, tỉnh dự kiến sáp nhập nguyên trạng huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ. Đồng thời điều chỉnh diện tích thành phố Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ để có những phương án khai thác thế mạnh từng vùng.
Những thay đổi của Bà Rịa - Vũng Tàu được kỳ vọng giúp tỉnh đến năm 2030 sẽ cơ bản đủ tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc trung ương với các khu vực Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải đạt tiêu chí của đô thị loại I; hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và tạo cảm xúc mạnh mẽ về kiến trúc cảnh quan.
Khát vọng trở thành đô thị đáng sống nhất
Từ một vùng đầm lầy vươn mình mạnh mẽ thành thành phố du lịch biển hàng đầu Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu đang dần chứng minh đây chính là nơi đáng đến, đáng sống hàng đầu Việt Nam.
Nếu như thời điểm mới thành lập, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh chỉ đạt khoảng 500 USD/ năm thì đến năm 2023 đã đạt 8.078 USD USD/năm (tăng hơn 16 lần). Kinh tế phát triển không ngừng nhờ sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo, các chính sách, kế hoạch được triển khai linh hoạt, hỗ trợ người dân một cách nhanh chóng.
Khi kinh tế phát triển, Bà Rịa - Vũng Tàu có đủ nguồn lực để phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, thay đổi diện mạo. Chất lượng y tế, giáo dục cùng đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Đến đầu tháng 12/2023, tỉnh này đã không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.
Những năm gần đây, Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn dầu khí Kogas (Hàn Quốc), PTT (Thái Lan), CUIYC (Singapore)... Ngành du lịch của tỉnh cũng đón nhiều tín hiệu khởi sắc và hướng tới trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.
Diện mạo thay đổi mỗi ngày, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện ghi nhận sự ra mắt của những khu đô thị chất lượng sống cao, vừa có thể kinh doanh nghỉ dưỡng hoặc là ngôi nhà thứ hai giữa thiên nhiên trong lành của miền biển.
Tất cả những yếu tố ấy đã giúp Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một vùng đất đáng sống, nơi mọi người có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc.