Quỹ đất không thiếu nhưng vì sao nhà ở xã hội vẫn "khan" hàng?

(Dân trí) - Chuyên gia khuyến nghị Bộ Xây dựng cần đi thanh tra kiểm tra, đôn đốc đưa quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội vào sử dụng.

nha-o-xa-hoi-1526.jpg

Phát biểu tại Hội thảo về xây dựng chính sách tổng thể phát triển nhà ở xã hội sáng nay (21/2), ông Nguyễn Trần Nam - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong suốt hơn 20 năm qua, phát triển nhà ở, thị trường bất động sản đã đạt được nhiều thành tựu lớn.

"Đô thị đã có thay đổi cơ bản với việc hình thành lên các khu nhà ở, đô thị, dịch vụ khang trang và phần nào đáp ứng nhu cầu người dân và xã hội, thay đổi nếp sống theo hướng văn minh hơn", ông Nam nói.

Ông Nam cho biết, so sánh với số liệu thống kê từ năm 2009 cho thấy sự phát triển đó. Theo tổng điều tra dân số năm 1999, cả nước có 700 triệu m2 nhà ở, đến 2009 có 1.400 triệu m2 nhà ở, đến 2019 điều tra sơ bộ có 2.100 triệu m2 nhà ở. Như vậy, trung bình mỗi 10 năm tăng được 700 triệu m2 nhà ở.

"Quỹ nhà ở tăng gấp 3 lần, sở hữu trung bình m2 nhà ở mỗi năm tăng được 1m2/người, đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở. Cùng với đó, chất lượng nhà ở thay đổi rõ rệt, nhà kiên cố, khu chung cư to đẹp hơn, khang trang hơn, hạ tầng quy hoạch tốt hơn", ông nói.

Tuy vậy, theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Thống kê cho thấy, sở hữu nhà ở tại Việt Nam ở mức trung bình 24-25m2/người nhưng thực tế có những hộ gia đình sở hữu hàng trăm m2/người trong khi nhiều hộ chỉ dưới 6m2/người.

"Nhu cầu nhà ở xã hội còn lớn. Nhà ở là hàng hoá mua bán nhưng cũng là nhu cầu bắt buộc phải có, có thể không mua ô tô, tivi nhưng nhà thì ai cũng phải có, chỗ ở ai cũng phải có. Nó là sản phẩm xã hội ngoài phát triển kinh tế còn giúp đảm bảo trật tự xã hội, nếu không giải quyết thì đây chính là mầm mống xảy ra mất trật tự an toàn xã hội", ông Nam nhấn mạnh.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Xây dựng đã xây dựng khung pháp luật, bắt đầu từ Luật nhà ở 2005.

"Đặc biệt, nhà ở xã hội phát triển mạnh từ năm 2009 với các Nghị quyết của Chính phủ giao nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, sinh viên. Ngày đó còn nghèo mà Nhà nước dám bỏ ra 17.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD để xây dựng nhà ở xã hội. Phải nói là quan điểm nhà ở cho người thu nhập thấp rất tốt, chúng ta có khung chính sách rất tốt", ông Nam cho hay.

Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, dù khung chính sách rất tốt nhưng vẫn thiếu "ý thức và sự thành tâm của một bộ phận lãnh đạo, kể cả cấp bộ ngành trung ương khi chưa thực sự phục vụ nhân dân, chưa nhận thức đúng trách nhiệm".

"Muốn làm nhà 1 là có đất, 2 là có tiền. Quỹ đất chúng ta không thiếu, luật quy định dành 20% trong tổng quỹ đất đất phát triển nhà và đô thị làm nhà ở xã hội. Theo điều tra năm 2013, riêng Hà Nội và TPHCM có 20 nghìn ha đất, 20% tương ứng là 4 nghìn ha đất dành cho nhà ở xã hội.

Rất thoải mái nhưng đi kiểm tra rất nhiều doanh nghiệp không thực hiện, nguyên nhân không phải do doanh nghiệp mà do không có phê duyệt của thành phố, vi phạm quy định của Thủ tướng. Sau một số dự án được phê duyệt thì không làm. Nếu có đền bù thì có hiện tượng giấu, để đấy không làm. Bài đó chúng tôi biết cả nhưng chưa đủ sức mạnh, quyền lực, thậm chí sự cương quyết để xử lý", ông nói.

Ông Nam thông tin, quy định dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội không chỉ có tại riêng Việt Nam mà nhiều nước như Malaysia, Philippines, Mỹ... cũng có quy định như thế.

"Mình không hực hiện nghiêm túc. Quỹ đất không thiếu, chưa kể luật quy định quy hoạch các khu riêng để phát triển nhà ở xã hội nữa. Bộ Xây dựng cần đi thanh tra kiểm tra, đôn đốc đưa quỹ đất này vào sử dụng", ông nhấn mạnh.

Cùng với quỹ đất, ông Nam cũng nhắc tới yếu tố tài chính để phát triển các dự án nhà ở xã hội. Ông dẫn chứng trường hợp gói 30.000 tỷ đồng từng được sử dụng rất hiệu quả nhưng sau khi hết khiến thị trường chững lại.

"Phải hỗ trợ vốn chứ không có đất doanh nghiệp cũng không làm được. Chính sách phát triển nhà ở xã hội cần nhấn mạnh vào cơ chế tài chính, tạo nguồn lực bằng tiền cho doanh nghiệp xây nhà, cho người dân vay để mua", ông nói.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS đề xuất khi xây dựng chính sách cần phải có quy định định lượng cụ thể trong luật.

"Ví dụ các ngân hàng thương mại phải dành tối thiểu 3% dư nợ cho vay nhà ở xã hội. Hay như giao nhiệm vụ cho ngân hàng chính sách cho vay mua nhà ở xã hội thì phải quy định hàng năm ngân sách phải cấp bao nhiêu % ngân sách. Ngày xưa chúng tôi đề nghị 1% ngân sách để xây nhà ở xã hội thì mỗi năm  cũng được hàng nghìn tỷ rồi", ông cho biết.

Ngoài ra, vị chuyên gia còn cho rằng, để đáp ứng được nhu cầu nhà ở, bản thân người dân cũng phải có ý thức tiết kiệm, dành dụm để lo nhà ở cho mình chứ không nên phụ thuộc vào bao cấp của nhà nước.

"Tuy nhiên, mình phải tạo cơ chế, kênh cho người ta tiết kiệm, phải có ngân hàng tiết kiệm, phải có định chế để người ta gửi tiền vào đó, đến 20-25 tuổi có một khoản tiền nhất định là có thể vay mua nhà rồi. Mô hình ngân hàng tiết kiệm nên đề xuất, thậm chí có thể sửa luật để có ngân hàng đó", ông nói thêm.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nói về các chính sách phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Phương Dung

banner_chan-bai.gif