Cơn náo loạn bên đại lộ Thăng Long: Những kẻ liều mạng ôm "bom"

Giá đất quanh đại lộ Thăng Long được môi giới hét cao ngất ngưởng, trong khi đó giao dịch lại khá ít. Thực tế, những giao dịch thành công cho thấy mức giá không hề cao như giá rao trên thị trường.

Tấp nập buôn đất

Sau cơn sốt đất đại lộ Thăng Long cách đây nhiều năm thì nay là đợt bất động sản khu vực này nóng lên nhờ tác động không nhỏ từ siêu dự án của Vingroup. Giới đầu tư dự kiến, khi dự án đi vào hoạt động sẽ kéo theo nhiều dịch vụ đi kèm, cùng với đó giá đất các khu vực lân cận cũng sẽ tăng. Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư đang tìm cách quay trở lại thị trường để “lướt sóng”.

Anh Nguyễn Trọng Hoàng (một nhà đầu tư nhỏ tại Hoàng Mai, Hà Nội) đang tìm kiếm đất để đầu cơ. Khác với trước đây anh tập trung vào mảng đất nền các dự án, nay anh đã chuyển sang đất thổ cư xung quanh. Theo anh Hoàng, đất nền thổ cư trong các khu vực dân cư có thanh khoản cao hơn, mức giá vừa tiền nên khó có thể lỗ nhiều như đất dự án.

Cơn náo loạn bên đại lộ Thăng Long: Những kẻ liều mạng ôm bom - 2

Nhiều sàn BĐS mọc lên gần khu siêu dự án (Ảnh:T.L)

 

Thị trường xuất hiện sự vào cuộc của nhiều người mới. Anh Tuấn, một nhà đầu tư, cho hay, anh đang có khoảng 2 tỷ đồng. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên nhà đầu tư này thừa nhận chỉ ăn theo bạn bè, mua vào bán ra nhanh, không "ôm" lâu. “Thấy bạn bè rủ đi đầu tư mình cũng theo, chỗ nào đông người mua thì mình tham gia”, anh chia sẻ.

Đại diện một sàn bất động sản ở Mỹ Đình nhận xét, hoạt động mua vào bán ra diễn ra rộn ràng, thậm chí gần 7-8h tối mà vẫn có môi giới dẫn khách khi xem đất. Nhiều người kiếm được khoản lời lớn nhờ buôn đất, bán đất sang tay.

Ăn theo dự án, từ cuối tháng 11, khi Vincity Sportia chính thức mở bán, đầu nậu và cò đất đua nhau thổi giá khiến đất nơi đây chạm mức cao kỷ lục trong khoảng chục năm trở lại đây. Từ 2010 đến nay, khu phía Tây thuộc địa phận một số quận huyện giáp ranh trung tâm như Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông có sự thay đổi chóng mặt về diện mạo đô thị khi có sự xuất hiện của các "ông lớn" địa ốc đầu tư, xây dựng hàng loạt dự án lớn

Anh cho biết gần hai tháng nay, rất nhiều nhà đầu tư đổ xô đi săn đất, trong đó có cả dân văn phòng. Hiện tại, đa số các nhà đầu tư chỉ tham gia mua đi bán lại, “lướt sóng” trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, theo phân tích của môi giới này, cách đây khoảng một năm, khi có thông tin Hoài Đức đang làm hồ sơ “thăng cấp” từ huyện lên quận, đã xuất hiện một số nhà đầu tư gom đất làm dự án khiến mặt bằng giá đất đã sốt nhẹ. Các xã An Khánh, An Thượng giá đất đang tăng khá mạnh, một số lô đất đẹp có giá trên 40 triệu đồng/m2, thậm chí lên đến cả trăm triệu đồng/m2, tăng gấp 2-3 lần so với trước.

“Tuần nào cũng có chục người đi xem đất tuy nhiên không phải ai cũng xuống tiền ngay. Trong khi đó, chủ đất thì chờ thời tăng giá”, anh chia sẻ.

Các khu vực cận Vincity Sportia như đường 70, khu Cầu Cốc, Quang Tiến, Giao Quang, mức giá đất nền càng cao hơn. Theo khảo sát, đất mặt phố Giao Quang đang được chào giá 55-60 triệu đồng/m2, những mảnh đất trong ngõ từ mức 30-32 triệu đồng/m2 lên mức 35-37 triệu đồng/m2.

Đất ở thôn Phú Thứ, ngõ thông ô tô vào được có giá 43 triệu đồng/m2... Khu vực xã Đại Mỗ, nhất là đường Quang Tiến, sát dự án VinCity, giá đất cũng ghi nhận tăng mạnh, từ 40-50%.

Cẩn thận "ôm bom"

Thực tế mức giá tăng chóng mặt nhưng thanh khoản lại khá thấp. Khu vực Tây Mỗ - Đại Mỗ, mức giá giao dịch này cao hơn so với thời điểm giữa năm ngoái khoảng 10%, còn ở mức tăng khủng thì cực hiếm giao dịch thành công.

Cơn náo loạn bên đại lộ Thăng Long: Những kẻ liều mạng ôm bom - 3

Nhiều lô đất tăng giá chóng mặt (Ảnh: T.L)

 

Trong bối cảnh giá đất tăng cao như hiện nay, nhiều nhà đầu tư non tay rót tiền có thể bị lừa mua đất giá cao hay mua các lô đất pháp lý mập mờ. Hiện tại, không ít nhà đầu cơ ôm đất kết hợp với những sàn giao dịch bất động sản và môi giới không uy tín nhằm đẩy giá đất tăng cao, tạo sóng ảo để thoát hàng, thu lợi cá nhân, đẩy những nhà đầu tư "nhẹ dạ", ít kinh nghiệm trên thị trường sập bẫy.

Từ kinh nghiệm của mình, anh Nguyễn Trọng Hoàng (Hoàng Mai, Hà Nội) khuyến cáo, giá đất tăng nhanh chỉ trong một thời gian rất ngắn, kèm theo đó là rất nhiều rủi ro khó lường, nhà đầu tư cần thận trọng. Trong trường hợp như vậy, giá đất bị thổi phồng quá mức giá trị thực, đến khi hết nóng, nhà đầu tư rơi vào cảnh đọng vốn, thậm chí bán giá thấp hơn cả tỷ đồng so với thời điểm mua vào.

Anh Hoàng từng gặp rất nhiều trường hợp như vậy. Nhiều nhà đầu tư huy động vốn bằng hình thức lãi ngày để đầu tư “lướt sóng” tại thời điểm nóng. Đến khi nguội lạnh, họ mang nợ xã hội đen, đến mức phải bỏ trốn.   

“Nếu là tôi, tại thời điểm này tôi không đầu tư vào đất nền khu vực cận siêu dự án vì đã quá muộn. Nếu là nhà đầu tư thông minh thì phải biết đón đầu tại thời điểm dự án chưa khởi công, quan trọng hơn là phải nắm rõ được thông tin khi nào dự án bắt đầu. Tất nhiên không phải dễ, làm được như vậy phải có kinh nghiệm lâu năm”, anh Hoàng cho hay.

Giới chuyên môn cho rằng, hiện tượng đất tăng giá nóng hiện nay có bàn tay làm giá của môi giới và dân đầu cơ. Do đó, các cơ quan quản lý sẽ sớm có biện pháp để trấn áp cơn sốt đất ảo và ổn định lại thị trường.

Theo D.Anh - T.Linh
VietnamNet

bannerchan-bai.gif