Quản lý kinh tế đất ở Việt Nam đang cực kỳ yếu kém

(Dân trí) - “Thực trạng quản lý kinh tế đất ở Việt Nam có thể nói hiện nay được đánh giá là loại kém nhất trong 4 công cụ quản lý là pháp luật, quy hoạch, tài chính và hành chính”, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét.

Đó là nhận định thẳng thắn của GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại buổi Tọa đàm  “Những vấn đề kinh tế trong chính sách và luật pháp đất đai ở Việt Nam” mới được tổ chức.

Theo đó, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: “Thất thoát tài sản công ở nước ta rất nhiều và các đại gia ở Việt Nam trưởng thành lên chủ yếu là từ đất đai là chính. Tại sao lại như vậy? Thì từ trước đến nay, mỗi luật đất đai chúng ta nhích được một bước li ti, thành ra mỗi luật chỉ cải cách được một chút ít”.

Quản lý kinh tế đất ở Việt Nam đang cực kỳ yếu kém - 1

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, thất thoát tài sản công ở nước ta rất nhiều và các đại gia ở Việt Nam trưởng thành lên chủ yếu là từ đất đai là chính.

Bên cạnh đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường còn chỉ ra rằng, chủ yếu là do những người xây dựng luật pháp vẫn đang sử dụng tư duy của thời kỳ bao cấp vào giai đoạn kinh tế thị trường. Đó là lý do vì sao Việt Nam nhích được những bước rất ngắn trong việc quản lý kinh tế đất đai.

Đồng tình với GS. Đặng Hùng Võ, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân khẳng định rằng, những giá trị nguồn lực được tạo ra từ đất đai đang không được tập trung vào cho nhà nước hay đầu tư chung của xã hội mà đang phân tán cho cá nhân, cho nhà đầu tư hoặc cho những người được thay đổi quyền sử dụng đất.

“Sự phân tán này không chỉ khiến thất thoát thuế cho nhà nước, tạo nên những sai phạm, tham nhũng đất đai mà còn gây ra những bức xúc cho người dân, đặc biệt là những khiếu kiện của người dân, chủ yếu cũng xoay quanh những vấn đề lợi ích của kinh tế đất không được đảm bảo thỏa đáng”, ông Cường nhận định.

Để giải quyết vấn đề này, ông Cường cho rằng trước tiên, cần phải xác định giá đất đai theo đúng giá trị thực, theo đúng giá trị thị trường chứ không phải là giá đất đai được sử dụng theo khung bảng giá quá thấp hiện nay.

“Trong Luật Đất đai hiện hành, chúng ta cũng đề cập đến vấn đề giá thị trường nhưng không nói cụ thể như thế nào là giá thị trường và ai là người định giá thị trường này. Chính vì chúng ta không có một cơ quan giữ trách nhiệm định giá cụ thể và đảm bảo rằng giá đó là giá phù hợp với giá trị thị trường nên giá đưa ra hiện nay là không đồng nhất. Nhà nước đưa ra một kiểu giá, doanh nghiệp đưa ra một kiểu giá, người dân lại quan niệm một kiểu giá và chính điều đó tạo ra sự bất ổn, mâu thuẫn”, ông Cường nhận định.

Quản lý kinh tế đất ở Việt Nam đang cực kỳ yếu kém - 2

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần định giá đất đai theo giá thị trường chứ không nên theo bảng, biểu giá đất.

Hơn nữa, theo một số chuyên gia tại tọa đàm, về hình thức thuế, hiện nay Việt Nam cũng có thuế sử dụng đất tuy nhiên, mức thuế đất hiện nay không phù hợp với mức cần phải điều tiết.

Đáng nói, Việt Nam đang đánh thuế đất dựa trên mức giá do Nhà nước quy định trong khi mức giá này không phản ánh đúng giá trị đất đai. Điều này dẫn đến việc mức thuế suất đã thấp lại dựa trên một mức giá không thực tế khiến chính sách thuế của chúng ta hiện nay hầu như không có ý nghĩa trong việc điều tiết nguồn lực cũng như việc sử dụng đất.

“Mấu chốt ở đây là giá, định giá và chính sách thuế. Đó cũng là trọng tâm của việc sửa đổi luật. Tôi cho rằng sắp tới, nếu muốn sửa đổi luật thì phải xác định rõ như thế nào là giá trị thị trường và chỉ sử dụng một giá trị duy nhất đó chứ không có các khung, bảng giá khác nhau”, ông Cường nói thêm.

Hồng Vân

Quản lý kinh tế đất ở Việt Nam đang cực kỳ yếu kém - 3