Phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

(Dân trí) - “TP. Buôn Ma Thuột với chức năng là trung tâm vùng Tây Nguyên phải có vai trò “định hình, định vị, định hướng” dẫn dắt toàn vùng Tây Nguyên phát triển gắn với liên kết vùng và quốc gia”.

Đó là phát biểu của GSDD.KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tại Hội thảo “Tổng kết Kết luận 60 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Buôn Ma Thuột và Phương hướng xây dựng, phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.” diễn ra vào ngày 28/3.

Phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên - 1
TP.Buôn Ma Thuột được định hướng phát triển thành trung tâm đô thị của vùng Tây Nguyên

 

Ông Trần Ngọc Chính đề xuất một số giải pháp về phát triển, quản lý đô thị, cơ chế chính sách thúc đẩy sự phát triển của TP. Buôn Ma Thuột, trong đó nhấn mạnh Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk cần phải  chủ động đón đầu cuộc cách mạng 4.0 với các tầm nhìn đi trước trong xây dựng cơ chế chính sách và giải pháp thích hợp để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội từ đó tạo động lực và hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ vùng Tây Nguyên.

Cần phát triển theo hướng “xanh – thân thiện – bền vững – bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng – gắn kết cộng đồng – bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Cũng tại Hội nghị PGS. TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn cho rằng để Buôn Ma Thuột phát triển thành trung tâm vùng Tây Nguyên, phải nhanh thoát khỏi tư duy cục bộ, coi phát triển Buôn Ma Thuột là việc riêng của Đắk Lắk, chủ yếu làm giàu cho Đắk Lắk. Phải thống nhất về tầm quan trọng của  việc phát triển Tây Nguyên để có cách tiếp cận phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đúng tầm, đúng cách.

Ông Thiên cũng cho rằng, tăng trưởng chung của TP. Buôn Ma Thuột không có gì nổi bật so với thành tích của cả tỉnh Đắk Lắk. GDP đầu người năm 2018 của Đắk Lắk có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển bậc nhất vùng Tây Nguyên đạt 41,1 triệu đồng những vẫn thấp so với mức GDP trung bình của cả nước.

Ngoài ra, ông Thiên cũng nhận định, nền công nghiệp chế biến của TP Buôn Ma Thuột chưa phát triển, điển hình cà phê tại đây vẫn chỉ là nơi trồng còn chế biến vẫn phải vận chuyển đi nơi khác. “Một mô hình trung tâm của cả vùng mà công nghiệp chế biến các sản phẩm đặc trưng vẫn không đặt ở đây. Doanh nghiệp lớn không có, công nghiệp không có, dịch vụ tăng trưởng thấp hơn vùng nông thôn là điều khó chấp nhận”, ông Thiên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều cơ quan trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ ra những điểm yếu, điểm mạnh cần phát huy của Buôn Ma Thuột nhằm đề xuất, định hướng cho sự phát triển TP. Buôn Ma Thuột trong thời gian tới thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên

Phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên - 2
Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần rất nhiều yếu tố xây dựng TP Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, sự kết nối của thành phố với các đô thị trong và ngoài Tây Nguyên, những lĩnh vực nào cần tập trung, mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ của thành phố với các tỉnh Tây Nguyên ra sao? Những cơ sở hạ tầng nào cần phát triển ở thành phố và kết nối thành phố với các tỉnh Tây Nguyên, các vùng khác và hành lang kinh tế Đông-Tây. Những qui hoạch, cơ chế chính sách nào cần ban hành để thành phố phát triển có tính chất đột phá; thu hút đầu tư ngoài ngân sách, dần dần trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm vùng Tây Nguyên, có tính chất dẫn dắt kinh tế vùng Tây Nguyên.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng đánh giá cao những thành quả sau 10 năm thực hiện Kết luận 60 của Bộ Chính trị, mà Buôn Ma Thuột đã đạt được. Tuy nhiên, việc phát huy lợi thế, tiềm năng là trung tâm vùng Tây Nguyên còn chậm.

Một số lĩnh vực lĩnh vực văn hóa, khoa học, công nghệ, giao thông chưa thể hiện rõ nét đi đầu so với các thành phố trong khu vực Tây Nguyên. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị vẫn còn nhiều bất cập thiếu tầm nhìn dài hạn; chưa thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư… là một trong những vấn đề Buôn Ma Thuột cần xem xét để phát triển đúng tầm.

Thúy Diễm

bannerchan-bai.gif