Otaue - Lễ hội cấy lúa cổ xưa của vùng Kansai Nhật Bản
(Dân trí) - Người Nhật tin rằng trong mỗi cây lúa đều có một linh hồn trú ngụ. Khiêu vũ và âm nhạc sẽ giúp những linh hồn này được giải trí, lớn nhanh như thổi mang lại một vụ mùa bội thu.
Nhiều tài liệu cho thấy rằng văn hóa lúa gạo đã được đưa vào Nhật Bản cách đây khoảng 3.000 năm.
Ban đầu, văn hóa này xuất phát từ Châu Á, rồi đi vào vùng Kyushu, phía Nam Nhật Bản. Sau đó, nhờ tương thích với điều kiện khí hậu và đất đai, thời gian thu hoạch ổn định, lại có thể lưu trữ lâu dài, văn hóa lúa gạo dần dần lan rộng khắp các hòn đảo của xứ Phù Tang.
Kể từ đó cây lúa được xem như một loại cây trồng chủ lực của nền nông nghiệp Nhật Bản. Nhằm tôn vinh mối quan hệ mật thiết ấy người Nhật đã tổ chức rất nhiều lễ hội lớn nhỏ khác nhau liên quan đến cây lúa. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến lễ hội trồng lúa Otaue ở Osaka.
Lễ hội trồng lúa Otaue Osaka là một trong những lễ hội Thần đạo cổ xưa nổi tiếng nhất ở vùng Kansai của Nhật Bản để cầu mong một vụ mùa bội thu. Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên vào năm 211 và đã diễn ra thường niên cho đến nay, chỉ duy nhất năm 2020 sự kiện bị hủy bỏ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Lễ hội được tổ chức vào ngày 14/6 hàng năm trong khuôn viên của đền Sumiyoshi Taisha, phường Sumiyoshi của Osaka. Đây là ngôi đền chính và nổi tiếng nhất trong số hơn 2.000 ngôi đền thần đạo Sumiyoshi trên khắp Nhật Bản và được người dân địa phương trìu mến gọi là "Sumiyoshi-san". Các đền thờ Sumiyoshi thờ thần kami (Shinto) những người bảo vệ du khách, ngư dân và thủy thủ.
Otaue trong tiếng Nhật có nghĩa là "cấy lúa". Lễ hội Otaue tái hiện lại chân thực nhất nghi thức cấy lúa cổ xưa đã tồn tại trong văn hóa của người Nhật hàng nghìn năm. Những con bò sẽ kéo lưỡi cày gỗ canh tác trên những cánh đồng. Sau đó, các nhà sư sẽ thực hiện nghi lễ thanh tẩy và phân phát cây giống để những người tham gia lễ hội trong trang phục truyền thống gieo trồng.
Điểm nổi bật của lễ hội là các nghi lễ Thần đạo cổ đại và các màn biểu diễn khiêu vũ ngoạn mục và các bài hát truyền thống. Trong khi những nông dân cấy lúa thì ở trên bờ sẽ diễn ra các màn nhảy múa và ca hát trong tiếng nhạc từ các loại nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản, bao gồm trống shamisen và taiko.
Người Nhật tin rằng trong mỗi cây lúa đều có một linh hồn trú ngụ. Khiêu vũ và âm nhạc sẽ giúp những linh hồn này được giải trí, từ đó lớn nhanh như thổi và khỏe mạnh, mang lại một vụ mùa bội thu.
Một điểm nổi bật khác của lễ hội là lễ rước các chiến binh samurai mặc áo giáp truyền thống cổ xưa. Đỉnh cao của lễ hội là "Điệu múa Sumiyoshi" do 150 nữ sinh từ các trường tiểu học và trung học cơ sở địa phương biểu diễn.
Vào tháng 10, sau khi lúa đã được thu hoạch, người Nhật sẽ có những lễ cúng gạo dâng lên các vị thần ở đền thờ để cảm tạ thần linh đã phù hộ cho một vụ mùa bội thu.