Tháng 5 đến tỉnh Shiga dự lễ hội đội nồi để cầu may
(Dân trí) - Những chiếc nồi độc đáo trong lễ hội Nabe Kanmuri lâu đời bậc nhất Nhật Bản được cho là bắt nguồn từ phong tục dâng cúng thần linh để cầu may.
Lễ hội Nabe Kanmuri, hay còn gọi là lễ hội "đội nồi", được tổ chức vào ngày 3 tháng 5 hàng năm tại đền Chikuma, thành phố Maibara, tỉnh Shiga. Trong lễ hội này, các bé gái khoảng 8 tuổi sẽ mặc những bộ kariginu thời Heian (quần áo săn bắn) có màu đỏ và xanh lá cây để làm lễ rước dọc bờ hồ Biwa. Trên đầu mỗi em là những chiếc mũ sắt hình cái nồi vô cùng độc đáo.
Tại sao lại là những chiếc mũ hình cái nồi? Có nhiều lời giải thích khác nhau về điều này. Trong đó, giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là những chiếc nồi tượng trưng cho việc dâng cúng thực phẩm cho các vị thần để đổi lấy vận may.
Ngoài khía cạnh tâm linh, nhiều người cho rằng lễ hội Nabe Kanmuri có liên quan đến việc chứng minh sự trong trắng của người phụ nữ: cái nồi sẽ rơi khỏi đầu một thiếu nữ nếu cô ấy không còn trinh nguyên.
Một truyền thuyết khác kể lại rằng, các cô gái của thành phố Maibara khi đến ngôi đền Chikuma đã từng đội số nồi trên đầu bằng với số người yêu cũ. Một năm nọ, một người phụ nữ đã gian lận số lượng nồi trên đầu cô ấy (có lẽ vì số lượng nồi thực tế quá nhiều và quá nặng với cổ của cô). Những chiếc nồi đã rơi xuống đất và vỡ tan thành một đống hỗn độn. Nhiều người dân trong thị trấn biết số lượng nồi mà đáng ra cô phải đội đã biến cô trở thành trò cười.
Lễ hội Nabe Kanmuri từng được nhắc đến trong Truyện Ise, một trong những tác phẩm cổ điển thuộc thể loại truyện thơ Nhật Bản ra đời vào thời Heian (794-1185). Trong đó có đoạn:
"Tôi ước chi lễ hội ở đền Chikuma tại Omi sẽ đến sớm, vì khi ấy tôi có thể thấy số lượng nồi trên đầu một người phụ nữ vô tình".
Lễ hội Nabe Kanmuri là một trong những lễ hội lâu đời nhất Nhật Bản và đã được đăng ký là di sản văn hóa dân gian phi vật thể của thành phố Maibara.