Những quy tắc bất thành văn khi đi ăn nhà hàng ở Nhật Bản

PV

(Dân trí) - Ẩm thực là một trải nghiệm tuyệt vời mà du khách chắc chắn không thể bỏ lỡ khi đến xứ sở hoa anh đào. Tuy nhiên ở các nhà hàng Nhật Bản thường có những quy tắc riêng mà ít người biết.

Nhật Bản được coi là thiên đường ẩm thực nổi tiếng và hấp dẫn nhất thế giới. Tại đây du khách có thể tìm thấy vô vàn món ăn ngon, lạ và đẹp mắt được chế biến vô cùng công phu. Chính vì vậy, ẩm thực là một trải nghiệm tuyệt vời mà du khách chắc chắn không thể bỏ lỡ khi đến xứ sở hoa anh đào. 

Nhưng ít người biết, các nhà hàng của Nhật Bản thường có bộ quy tắc riêng mà khó có thể tìm thấy ở bất kỳ quốc gia nào khác.

Tiền tip không được chào đón

Văn hóa tiền boa hay tiền tip rất phổ biến ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Ở nhiều nơi, tiền tip là để thể hiện thái độ văn minh và tôn trọng đối với những người phục vụ. Tuy nhiên, Nhật Bản là một trong những đất nước hiếm hoi không chấp nhận tiền tip ở bất cứ nơi đâu.

Những quy tắc bất thành văn khi đi ăn nhà hàng ở Nhật Bản - 1
Nguồn ảnh: Yolo Japan

"Tôi làm việc trong một nhà hàng. Có rất nhiều khách du lịch để lại thêm tiền tip trước khi rời đi. Tuy nhiên chúng tôi đều từ chối tất cả. Nếu khách hàng còn ở đó, chúng tôi sẽ hoàn trả lại. Nếu họ đã rời đi, số tiền tip sẽ được đưa vào sổ đăng ký", Lin, nhân viên một nhà hàng ở Tokyo nói.

Quy định bất thành văn này được áp dụng cho rất nhiều dịch vụ ở Nhật Bản, không chỉ nhà hàng, quán bar mà cả các khách sạn cũng áp dụng. Văn hóa Nhật Bản đề cao sự chăm chỉ, tôn trọng và công bằng. Vì vậy việc để lại tiền tip là không cần thiết, đôi khi còn khiến họ cảm thấy khó xử khi cho rằng bạn đang ám chỉ những người chủ không đưa ra mức lương công bằng.

Ở một số nhà hàng, phí dịch vụ có thể được cộng thêm vào hóa đơn, khoảng 10-15% tổng giá trị. Tuy nhiên, nếu không có phí dịch vụ, bạn cũng không cần tip thêm cho họ.

Cởi giày trước khi vào

Mỗi nhà hàng sẽ có quy tắc khác nhau, một số sẽ cho phép khách hàng đi giày vào, nhưng hầu hết đều có quy định cởi giày trước khi vào. Vì vậy, hãy cẩn thận kiểm tra các quy định trước khi bước vào để tránh bị hiểu nhầm là bất lịch sự.

Những quy tắc bất thành văn khi đi ăn nhà hàng ở Nhật Bản - 2
Nguồn ảnh: NPO Glad

Hầu hết izakayas - một dạng quán bar bình dân của Nhật Bản phục vụ đồ uống có cồn và đồ ăn nhẹ - đều có lịch sử truyền thống lâu đời nên họ đều áp dụng các quy tắc về giày dép. Ở một số izakayas truyền thống, sẽ có nhân viên cất giày vào tủ cho khách hàng. Còn ở những izakayas bình thường, khách hàng sẽ được nhắc nhở tự cất giày vào tủ.

Đồ ăn thường không lên cùng nhau

"Nếu bạn đi ăn theo nhóm, đừng mong đợi món ăn của các bạn sẽ được ra cùng một lúc. Vào đêm đầu tiên ở Tokyo, tôi và vợ tôi đã đến một nhà hàng Nhật Bản truyền thống ở khu Shibuya. Cô ấy gọi mì udon còn tôi chọn cơm gà. Mì của vợ tôi rất nhanh đã được mang ra, tuy nhiên cơm của tôi rất lâu sau vẫn chưa thấy. Một vị khách trong nhà hàng nói rằng các món ăn ra cách nhau 10-20 phút là điều bình thường", Simon, một du khách đến từ Canada cho biết.

Những quy tắc bất thành văn khi đi ăn nhà hàng ở Nhật Bản - 3
Nguồn ảnh: Tripsavvy

Tại các nhà hàng Nhật Bản, đồ ăn chỉ được nấu khi khách hàng gọi nên nếu đó là một món ăn cần thời gian nấu lâu thì đừng sốt ruột, đầu bếp hoặc nhân viên phục vụ sẽ không quên bạn. Điều này để đảm bảo các món ăn luôn tươi ngon và nóng sốt nhất có thể.

Món ăn nhẹ tính phí

Otishi, còn được gọi là tsukidashi, là một loại đồ ăn nhẹ thường được mang lên khi bạn gọi rượu trong các izakayas, đôi khi chúng cũng được phục vụ cùng nước ngọt. Theo phong tục Nhật Bản, ăn và uống phải đi đôi cùng nhau, nên otishi dùng để nhắm rượu trong khi đợi đồ ăn chính lên.

Những quy tắc bất thành văn khi đi ăn nhà hàng ở Nhật Bản - 4

Nguồn ảnh: Live Japan

Một số món otoshi điển hình bao gồm thịt hoặc rau hấp, dưa chuột muối, xà lách truyền thống, cá nướng hoặc mì. Nhiều du khách nghĩ rằng món ăn kèm này là miễn phí. Tuy nhiên, chúng có giá khoảng 400 - 700 yen (khoảng 3 - 6 USD) sẽ được thể hiện trên hóa đơn khi tính tiền.

Không bỏ thừa đồ ăn

Ở một số quốc gia, các nhà hàng có thể sẵn lòng phục vụ tất cả những món đồ ăn mà khách gọi, không quan tâm đến việc bạn có xử lý hết chúng hay không. Tuy nhiên thật là sai lầm nếu bạn làm điều đó ở các nhà hàng Nhật Bản.

Người Nhật coi việc để thừa thức ăn hay gọi thêm đồ ăn mới khi chưa ăn hết đồ sẵn có là bất lịch sự. Điều này liên quan đến một trong những khái niệm cơ bản trong văn hóa Nhật Bản, mottainai, để chỉ cảm giác hối tiếc vì đã lãng phí một thứ gì đó.

Những quy tắc bất thành văn khi đi ăn nhà hàng ở Nhật Bản - 5
Nguồn ảnh: Live Japan

Đây là một trong những lý do tại sao khẩu phần ăn của người Nhật khá ít, nhằm tránh lãng phí. Tất nhiên, cũng có những lý do bất khả kháng khiến bạn không thể ăn hết số đồ ăn, khi đó chỉ cần giải thích rõ ràng với nhân viên phục vụ.

Ăn thỏa thích không giới hạn với tabehoudai

Ở Nhật Bản có rất nhiều nhà hàng phục vụ các suất ăn Tabehoudai. Với suất ăn này, thực khách chỉ phải bỏ ra một số tiền nhất định, sẽ được ăn no nê, thỏa thích tương tự như hình thức buffet. Giá vé cho suất ăn này cũng không đắt.

Những quy tắc bất thành văn khi đi ăn nhà hàng ở Nhật Bản - 6
Nguồn ảnh: Pinterest

Không giống như buffet truyền thống, tabehoudai quy định khoảng thời gian nhất định để ăn, thường là khoảng 90-120 phút. Hầu hết tabehoudai đều phục vụ một loại thức ăn cụ thể, từ salad, thịt, sushi và các món ăn Âu - Á khác. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm