Những lần ồn ào, gây sốc thị trường bất động sản của ông chủ Tân Hoàng Minh

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng là cái tên khá ồn ào trên thị trường bất động sản những năm vừa qua.

Đấu giá mức kỷ lục rồi viết tâm thư xin bỏ cọc 

Tháng 1 năm nay, thị trường bất động sản "rúng động" bởi thông tin ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - viết tâm thư gửi tới lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước xin bỏ cọc.

Trong tâm thư, ông Đỗ Anh Dũng, đồng thời cũng là người đã trực tiếp tham gia đấu giá tại phiên đấu giá "vô tiền khoáng hậu" ở TPHCM, cho biết quyết định bỏ cọc được đưa ra sau khi doanh nghiệp điều chỉnh, cân đối tài chính, lên phương án thiết kế, đầu tư, kinh doanh…

Những lần ồn ào, gây sốc thị trường bất động sản của ông chủ Tân Hoàng Minh - 1

Dư luận xôn xao trước thông tin Tân Hoàng Minh bỏ cọc miếng đất Thủ Thiêm (Ảnh: Hữu Khoa).

Theo vị này, sau khi trúng đấu giá tài sản ô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích hơn 10.000 m2 và với mức trúng đấu giá là 24.500 tỷ đồng thì ông cũng tự thấy đó mức giá "cao bất ngờ chưa bao giờ nghĩ đến". Lý do mua bằng mọi giá lô đất được ông Dũng cho biết là do "trào lên lòng tự hào dân tộc, danh dự của tập đoàn trong nước".

Trước đó, việc trả mức giá cao kỷ lục tới hơn 2,4 tỷ đồng/m2 đất đấu giá Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh cũng đã khiến thị trường xôn xao. Ở thời điểm đó, chuyên gia ví kết quả cuộc đấu giá đất như một "cú sốc" cho thị trường. 

Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính - từng lên tiếng cho rằng đấu giá đất tại Thủ Thiêm với mức trúng đấu giá 2,4 tỷ đồng một m2 là bất thường và đây là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.

Còn theo báo cáo Bộ Xây dựng, với trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm, sau khi có thông tin kết quả trúng đấu giá 4 lô đất (trong đó có lô đất trúng đấu giá của Tân Hoàng Minh - PV), giá rao bán tại các dự án khu đô thị, nhà ở khu vực Thủ Thiêm đồng loạt tăng, tuy nhiên ghi nhận giao dịch rất ít.

Vụ đấu giá - bỏ cọc tại lô đất "vàng" Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh cũng đã làm "nóng" nghị trường phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa tháng 3. Theo đại biểu Quốc hội, vấn đề này làm nhiễu loạn thị trường, sốt đất ảo, tạo mặt bằng giá đất mới, gây khó khăn cho xây dựng, phát triển, cần có giải pháp xử lý triệt để.

Từng ồn ào với "lịch sử" bỏ cọc

Ở thời điểm thông tin Tân Hoàng Minh trúng đấu giá đất Thủ Thiêm mức kỷ lục 2,4 tỷ đồng/m2, nhiều đồn đoán, nhận định về việc ông chủ Đỗ Anh Dũng có thể sẽ bỏ cọc. Không chỉ bởi mức giá đưa ra quá "khủng", mà còn bởi ông chủ Tân Hoàng Minh từng dính lùm xùm bỏ cọc trước đó.

Trước đó, vào tháng 6/2015, Tân Hoàng Minh từng trúng khu đất vàng 3.000 m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM. Tổng cộng đã có 14 doanh nghiệp có tiềm lực mạnh đã tham gia đấu giá khu đất với giá khởi điểm 558 tỷ đồng. Đáng chú ý, Tân Hoàng Minh đã chiến thắng với mức giá 1.430 tỷ đồng - cao gấp 2,6 lần giá khởi điểm.

Đến tháng 8/2015, UBND TPHCM ra quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại số 23 Lê Duẩn. Số tiền đặt cọc đấu giá hơn 83 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh cũng đã được chuyển vào kho bạc Nhà nước.

Tuy nhiên, ngay sau khi UBND TPHCM phê duyệt kết quả đấu giá thì Tân Hoàng Minh lại có văn bản đề nghị hủy kết quả. Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho rằng đơn vị tổ chức đấu giá đã có sai phạm về bước giá và cũng không nộp số tiền đã trúng đấu giá. Do vậy, thành phố đề nghị các đơn vị liên quan tham mưu để giải quyết, cụ thể là xem xét hủy kết quả để tổ chức đấu giá lại. Không lâu sau, doanh nghiệp này lại đề nghị được tiếp tục mua khu đất nói trên.

Khoảng giữa năm 2016, một doanh nghiệp đề xuất thành phố bổ sung khu đất vào danh sách các khu đất hoán đổi cho hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) mà công ty này làm chủ đầu tư. Sau đó, UBND TP ra "tối hậu thư" yêu cầu đến hết ngày 30/12/2016, nếu Tân Hoàng Minh không nộp hết số tiền trúng đấu giá, thành phố sẽ hủy kết quả để tổ chức đấu giá lại.

Đến phút chót, Tân Hoàng Minh vội vã thực hiện nghĩa vụ tài chính khoảng 1.694 tỷ đồng để chính thức sở hữu khu "đất vàng" 23 Lê Duẩn vào khoảng tháng 4/2017 nhưng sau đó lại chuyển nhượng cho một đơn vị khác. 

Bỏ không "đất vàng" rồi âm thầm sang nhượng

Không ít dự án của Tân Hoàng Minh nổi tiếng vì tình trạng "đắp chiếu" nhiều năm. Điển hình như lô đất vàng tại ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Khu "đất kim cương" 22-24 Hàng Bài này có diện tích 4.000 m2 từng được Tân Hoàng Minh đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, sẽ phát triển thành tòa nhà 9 tầng cao, 5 tầng hầm, bao gồm tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp, căn hộ hạng sang. Các căn hộ ở đây sở hữu sổ đỏ vĩnh viễn, giá bán dao động từ 7-35 tỷ đồng. 

Chủ đầu tư cũng từng có đề xuất nâng chiều cao lên 12 tầng nhưng không được chấp thuận. Mục đích sử dụng đất của dự án đã qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, từ trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư sang trung tâm thương mại, khách sạn. Sau đó, doanh nghiệp lại xin chuyển thành mục đích trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở. Khu đất dự án này cũng nổi tiếng khi có giá đền bù thuộc hàng cao nhất Hà Nội, một số vị trí lên tới 1 tỷ đồng/m2.

Những lần ồn ào, gây sốc thị trường bất động sản của ông chủ Tân Hoàng Minh - 2

Khu "đất kim cương" 22-24 Hàng Bài này có diện tích 4.000 m2 từng được Tân Hoàng Minh đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, sau đó sang nhượng cho Masterise Homes để triển khai dự án bất động sản "hàng hiệu" (Ảnh: Đỗ Quân).

Tuy nhiên, sau nhiều năm trì trệ, cuối cùng, Tân Hoàng Minh sang tay cho Masterise Homes để triển khai dự án bất động sản hàng hiệu.

Trước khi có thông tin sang nhượng chính thức, theo phản ánh của người dân sinh sống tại khu vực phố Hàng Bài (Hoàn Kiếm), họ thấy công trình này bắt đầu triển khai xây dựng. Máy móc, thiết bị cỡ lớn cũng được chở đến phục vụ công việc đào móng. Tuy nhiên trao đổi với Dân trí thời điểm đó, phía đại diện truyền thông Tập đoàn Tân Hoàng Minh không tiết lộ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm