Nhiều doanh nghiệp bất động sản "trắng" dự án

Hai năm qua, UBND TPHCM có nhiều cuộc họp với doanh nghiệp địa ốc cùng lãnh đạo các sở, ngành để giải cứu hàng trăm dự án bất động sản “đắp chiếu” vì vướng thủ tục pháp lý. Thế nhưng không có nhiều thay đổi.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản ở TPHCM quyết định tới Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận… để phát triển dự án. Xu hướng này giúp họ có thể tồn tại để chờ đợi sự thay đổi trong cách duyệt dự án của chính quyền TPHCM, vốn đang bị “đóng băng” vì vướng luật và cả sự chùn tay của cán bộ.

Mỏi mòn chờ giải cứu

Hai năm qua, UBND TPHCM có nhiều cuộc họp với doanh nghiệp địa ốc cùng lãnh đạo các sở, ngành để giải cứu hàng trăm dự án bất động sản “đắp chiếu” vì vướng thủ tục pháp lý. Thế nhưng đến nay, số phận các dự án này không có nhiều thay đổi.

Đã nhiều lần tham gia các cuộc họp giải cứu dự án mà TPHCM tổ chức, bà Nguyễn Thị Như Loan (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai) phải bật khóc vì vướng thủ tục mà các dự án của mình phải bỏ hoang.

Cụ thể, dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển có diện tích 91,6ha, được kỳ vọng mang về cho Quốc Cường Gia Lai doanh thu giai đoạn 2011-2016 trên 12.000 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy. Dự án đã được UBND TPHCM chấp thuận đầu tư và duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2017, nhưng hiện nay, khu đất triển khai dự án chỉ là một bãi đầm lầy, cỏ dại mọc um tùm. 

Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP vẫn đang mắc kẹt ở dự án Charmington Iris quận 4. Đầu năm 2020 sau khi dự án được đưa lên bàn giải cứu, Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND TPHCM sớm giải cứu cho dự án, doanh nghiệp cũng đã hoàn thành những yêu cầu về đền bù giải phóng mặt bằng mà UBND TPHCM và Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng TPHCM đưa ra. Thế nhưng, tới nay, dự án này lại được UBND TPHCM đẩy qua Bộ Kế hoạch & Đầu tư để có ý kiến.

Các doanh nghiệp khác như Himlamland, Phúc Khang, Hưng Thịnh, Phú Long, Vạn Phúc Group, Thành Phố Đế Vương, Đất Xanh Group, LDG Group… cũng có số lượng lớn dự án “đắp chiếu” vì vướng thủ tục pháp lý.

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), TPHCM hiện có ít nhất 160 dự án bất động sản đã có chủ trương đầu tư, nhưng không thể triển khai vì vướng thủ tục pháp lý như đền bù giải tỏa, đóng tiền sử dụng đất cổ phần hóa… Trong 9 tháng đầu năm 2020, dù Sở Xây dựng đã gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư TPHCM đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 45 dự án, nhưng trong công văn số 8128/BC-SKHĐT ngày 26/10/2020, không có số liệu về dự án nhà ở nào có được quyết định chủ trương đầu tư. Hệ lụy là thị trường bất động sản sụt giảm mạnh nguồn cung mới, đẩy giá nhà đất tăng cao.

Vì cán bộ chùn tay?

Nhiều doanh nghiệp bất động sản ở TPHCM đặt câu hỏi, cùng mặt bằng pháp lý như nhau, vì sao các dự án nhà ở TPHCM bị vướng, còn các địa phương khác thì không? Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, như pháp luật chưa thật sự đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, phương thức xây dựng các luật phổ biến theo kiểu luật “khung”, luật “ống” dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của bộ, ngành đề xuất luật.

“Việc thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế do một số cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết”, ông Châu nói.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản trắng dự án - 1

Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển có diện tích 91,6ha hiện là một bãi đầm lầy, cỏ dại mọc um tùm


Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, nói rằng, ông chưa thấy động thái nào khắc phục khoảng lặng pháp lý ở thị trường bất động sản TPHCM. Chính phủ đã có chỉ đạo, đôn đốc nhưng địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉnh hoặc chậm trễ giải quyết, thiếu sự quyết liệt. 

Các doanh nghiệp cho rằng, việc hàng loạt cán bộ, lãnh đạo của TPHCM bị bắt và đưa ra xét xử thời gian qua đã tác động không nhỏ đến tâm lý của cán bộ hiện tại khiến công việc ở nhiều sở, ngành bị ùn ứ. Trong văn bản số 1255/UBND-ĐT của UBND TPHCM gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn có nội dung thừa nhận nhiều dự án bất động sản gặp khó là do cán bộ sợ trách nhiệm.

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, rà soát lại thủ tục pháp lý dẫn đến tình trạng đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước”, văn bản nêu.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, việc sụt giảm số lượng dự án bất động sản là do các quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp. Nếu không giải quyết được những vấn đề này sẽ càng gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của TPHCM và nguồn lực kinh doanh của các nhà đầu tư, uy tín của các sở, ngành. Tuy nhiên, có những vướng mắc về cơ chế, quy trình thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền Trung ương mà TPHCM không thể giải quyết. UBND TPHCM sẽ đăng ký với Văn phòng Chính phủ để báo cáo những khó khăn trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn.

Lãnh đạo một tập đoàn địa ốc tại TPHCM nói, đã quá mệt mỏi với việc phải chờ đợi được giải cứu dự án. Để tồn tại, họ quyết định chạy qua các tỉnh lân cận Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận… hay ra tận Hà Nội để phát triển dự án. Điều này giúp họ có thể tồn tại qua giai đoạn khó khăn nhưng vẫn chờ ngày để trở về vì bao nhiêu công sức, tiền của của doanh nghiệp vẫn đặt tại TPHCM. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm