Nhật Bản tạo chính sách mới để "săn" nhân tài châu Á
(Dân trí) - Chính phủ Nhật dự định áp dụng các chính sách giảm thuế, ưu đãi visa để thu hút nhân tài trong ngành tài chính tại châu Á.
Trong bài phát biểu vào tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã đặt mục tiêu thu hút nhân tài cho Nhật Bản, để biến con rồng châu Á này trở thành "trung tâm tài chính quốc tế cho châu lục và cả thế giới". Ngay lập tức, Tokyo, Osaka và Fukuoka trở thành những cái tên đi đầu cho cuộc đua này.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho công ty và công dân nước ngoài, Nhật lần đầu tiên lập văn phòng nhận nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh và làm việc bằng tiếng Anh, nằm dưới sự điều hành của Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản. Một trong những văn phòng đặc biệt này sẽ được mở tại Tokyo vào đầu năm nay, tọa lạc tại các quận tài chính như Marunouchi hoặc Nihonbashi.
Kể từ khi Trung Quốc thắt chặt kiểm soát với Hong Kong, các quốc gia châu Á bắt đầu cạnh tranh gay gắt để thu hút lao động tay nghề cao tại trung tâm tài chính này. Trong đó, Nhật Bản thể hiện mục tiêu vươn lên trở thành trung tâm tài chính mới của châu Á.
Tuy nhiên, giới phê bình chỉ trích sự chậm chân của Chính phủ Nhật Bản trong cuộc cạnh tranh với Hong Kong hay Singapore để giành ngôi vị trung tâm tài chính của châu Á. Kể từ khi ông Suga nhậm chức hồi tháng 9, Chính phủ Nhật đã ban hành một số chính sách mới để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong năm tài khóa 2021.
Cụ thể, Nhật Bản sẽ chấp nhận nhiều loại dịch vụ, thủ tục giấy tờ bằng tiếng Anh hơn, bao gồm các bản kê khai thông tin tài chính của các ngân hàng, công ty bảo hiểm nước ngoài, các loại giấy phép hoạt động và báo cáo thường niên. Hiện chỉ một số loại giấy tờ của một số công ty thương mại và các quỹ đầu tư chuyên nghiệp mới sử dụng tiếng Anh tại Nhật Bản.
Nhật Bản cũng có kế hoạch giảm thuế đối với các công ty và lao động tay nghề cao nước ngoài trong lĩnh vực tài chính, bắt đầu với đề xuất cải cách thuế trong năm tài khóa 2021. Trên thực tế, thuế thu nhập cá nhân tại các thành phố cạnh tranh trong cuộc đua trở thành trung tâm tài chính châu Á thấp hơn rất nhiều so với mức 45% tại Nhật Bản. Ở Hong Kong, mức thuế tối đa áp dụng chỉ là 17%, trong khi Singapore đánh thuế 22% với cá nhân có thu nhập ở mức 1 triệu USD.
Ngoài ra, Nhật Bản đang áp dụng mức thuế thừa kế 55% với lao động nước ngoài làm việc tại quốc gia này hơn 10 năm với cả tài sản tại Nhật Bản và nước ngoài. Mức thuế này được đánh giá là cao hơn so với nhiều nền kinh tế hàng đầu khác. Do đó, Nhật đồng thời khởi động quá trình xem xét miễn thuế thừa kế với các tài sản ở nước ngoài của lao động tay nghề cao trong ngành tài chính. Tuy nhiên, một số quan chức Nhật Bản cho rằng quốc gia này gặp khó khăn trong việc cắt giảm thuế quy mô lớn với một nhóm đối tượng cụ thể.
Nhật Bản cũng sẽ áp dụng một số điều chỉnh trong quy định về visa. Theo đó, lao động tay nghề cao được ưu đãi visa 5 năm, có thể lựa chọn cư trú lâu dài khi thỏa mãn một số điều kiện nhất định.