Nhắn tin "rác" quảng cáo BĐS: Một người "ăn phạt", dân môi giới nơm nớp lo
(Dân trí) - Lần đầu tiên một cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nhắn tin quảng cáo dịch vụ bất động sản (BĐS) đến người sử dụng, khi chưa được người sử dụng đồng ý.
Ai bị xử phạt?
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê.M.D, có địa chỉ tại Long Biên, Hà Nội về hành vi nhắn tin quảng cáo dịch vụ bất động sản đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khẳng định thời gian tới sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo qua mạng viễn thông theo Nghị định số 91.
Thực tế thời gian qua, những tin nhắn, cuộc gọi điện thoại với nội dung chào bán các sản phẩm bất động sản như căn hộ chung cư, biệt thự, đất nền… khiến không ít người cảm thấy khó chịu.
Có thời điểm, những tin quảng cáo bất động sản cùng với một số sản phẩm quảng cáo khác như bảo hiểm, ngân hàng… “bủa vây” dồn dập khiến người than phiền.
Theo Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tình trạng cuộc gọi quấy rối người tiêu dùng (cuộc gọi rác) đã gây ra nhiều cản trở, ảnh hưởng tới công việc, sinh hoạt thường ngày của nhiều người dân nói chung.
Theo tổng hợp số liệu từ cơ quan này, trong 9 tháng đầu năm 2020, Cục đã tiếp nhận và xử lý hơn 220 phản ánh, yêu cầu của người tiêu dùng trong lĩnh vực điện thoại, viễn thông, kết nối mạng di động và liên kết internet nói chung.
Nội dung phản ánh của người tiêu dùng chủ yếu tập trung vào việc bị quấy rối, làm phiền bởi các tin nhắn và cuộc gọi rác; quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ trái ý muốn của người tiêu dùng; gây ảnh hưởng tới sinh hoạt và cuộc sống của người tiêu dùng.
Với Nghị định số 91 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ ngày 1/10/2020, nhiều người kỳ vọng tình trạng này sẽ giảm bớt.
Dân môi giới lo nơm nớp
Lãnh đạo một công ty môi giới bất động sản ở Hà Nội thừa nhận, Nghị định 91 có hiệu lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, vì lâu nay, nhắn tin hay gọi điện mời chào mua bất động sản vẫn được các môi giới sử dụng bên cạnh kênh tư vấn trực tiếp, phát tờ rơi…
Anh Trung - một môi giới bất động sản khu vực Hà Nội - cho biết: Trước nay anh vẫn sử dụng việc nhắn tin, gọi điện để quảng cáo, giới thiệu khách hàng mua nhà. Tuy nhiên, kể từ khi biết thông tin về quy định tại Nghị định 91 có hiệu lực từ đầu tháng 10, anh Trung cẩn thận hơn trong việc sử dụng phương thức này, tránh vô tình gây phiền hà đến cho người khác.
Các chuyên gia bất động sản cho biết, “Telesales” (bán hàng qua điện thoại - PV) là một kênh phổ biến của nhiều công ty bất động sản dựa trên việc khai thác dữ liệu không chính thống đã gây nên phản ứng không hài lòng của rất nhiều thuê bao, kéo dài trong thời gian khá lâu. Do đó, quy định này sẽ buộc các công ty bất động sản hướng tới giải pháp tiếp cận khách hàng, bán hàng một cách chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Nghị định số 91 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ ngày 01/10/2020, thay thế cho Nghị định 90. Nội dung Nghị định mới có nhiều thay đổi, quy định nhiều biện pháp bảo vệ người sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, tránh bị gây phiền hà bởi tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử "rác". Trong đó, lần đầu tiên có quy định pháp luật về “cuộc gọi rác”, đây là vấn đề gây nhiều phiền hà, bức xúc cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thời gian qua.
Theo quy định, người sử dụng dịch vụ viễn thông có quyền được quyết định việc nhận hoặc không nhận tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp, cá nhân không được phép gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện quảng cáo tới số điện thoại trong danh sách không quảng cáo và không được phép sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo, hoặc gọi điện thoại quảng cáo...