Nguồn vốn từ đâu để đầu tư xây dựng thành phố Thủ Đức?
(Dân trí) - Nhấn mạnh đến nguồn lực tài chính cho đầu tư xây dựng thành phố Thủ Đức, GS Trần Ngọc Thơ đặt câu hỏi: "Nguồn tài chính, tài trợ như thế nào?. Tiền đâu để xây dựng?".
Giáo sư Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đặt vấn đề, thành phố Thủ Đức có cần phải có trung tâm thương mại đông người hay không, khi tương lai sẽ giao dịch nhiều qua mạng.
“Liệu rằng thiết kế, tiền của chúng ta bỏ ra sau này có thể trở thành thành phố chết hay không khi hành vi con người bây giờ là giãn cách xã hội. Đây là câu hỏi chúng ta đặt ra và đi tìm đáp án cho nó”, ông Thơ chia sẻ quan điểm.
GS Thơ lấy ví dụ điển hình là trung tâm tài chính Dubai (UAE) đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Trung tâm này được xây dựng trên nền tảng các cửa hàng siêu thị bán lẻ khổng lồ, các nhà hàng cao tầng, khách sạn 5-6 sao đồ sộ nhưng bây giờ đang đứng trước nguy cơ thất bại toàn diện. Đây là bài học cần phải rút kinh nghiệm cho thành phố Thủ Đức.
Nhấn mạnh đến nguồn lực tài chính cho đầu tư xây dựng thành phố Thủ Đức, GS Trần Ngọc Thơ đặt câu hỏi: "Nguồn tài chính, tài trợ như thế nào?"
Hiện nhiều ý kiến đề cập đến quỹ đất. Song theo GS. Trần Ngọc Thơ, tư duy như vậy có đúng hay không? Quỹ đất luôn luôn là hữu hạn, trong khi nguồn tài chính, ý tưởng sáng tạo bất tận luôn là cơ hội mới tạo ra liên tục, nhất là sau đại dịch Covid-19.
Do đó, cách tư duy của chúng ta phải ngược lại, không nên như truyền thống. Có nghĩa chúng ta nên từ chính sách tạo môi trường đẳng cấp quốc tế cao nhất, luật phải là luật tư pháp độc lập, đồng tiền của chúng ta phải là đồng tiền chuyển đổi được hay ít nhất phải có khu kinh tế đặc biệt, khu tài chính đặc biệt, cho phép đồng vốn nước ngoài chuyển ra chuyển vào một cách tự do… Những điều này sẽ tạo nguồn tài chính, không phải chỉ nghĩ đến quỹ đất.
Tóm lại, chúng ta cần môi trường và thể chế pháp lý để hút đầu tư về.
Thứ ba, luồng vốn chảy ra chảy vào cho các trung tâm này được tự do hóa, tự do chuyển đổi thế nào, đánh thuế thế nào, được quản lý, bảo mật ra sao.
"Hàng loạt vấn đề chẳng những liên quan đến tài chính ngân hàng mà còn liên quan đến an ninh quốc gia. Điều đó cho thấy vấn đề rất đa chiều và phức tạp. Do đó, dự án thành phố Thủ Đức này phải được đặt trong tổng thể cả chiến lược quốc gia", GS Thơ nhấn mạnh.
TS.Võ Kim Cương, nguyên Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho biết, hiện tại đề án thành lập thành phố Thủ Đức chưa luận giải được cụ thể nguyên nhân cần thiết để ra đời đơn vị hành chính mới. Những cơ sở khoa học của đề án chưa nêu bật được lý do bắt buộc phải thực hiện sự sáp nhập quận 2, 9, và Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức.
"Đề án cần làm rõ nội dung nào các quận, huyện không làm được mà chỉ khi nhập vào thành thành phố Thủ Đức mới làm được. Tôi chưa thấy thông tin trong đề án đánh giá cụ thể vì sao chuyển UBND của 3 quận vào 1 đơn vị duy nhất", ông Võ Kim Cương nhận định.
Theo ông Cương, đơn vị thực hiện đề án có nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc giữa phương án để nguyên các đơn vị hành chính hiện tại và phương án thành lập thành phố Thủ Đức. Đặc biệt, những hệ lụy liên quan đến đời sống người dân, việc thực hiện các thủ tục hành chính khi sáp nhập cần được phân tích cụ thể.