Người Nhật tích lũy nhiều tiền mặt hơn vì lo ngại Covid-19

Minh Ngọc

(Dân trí) - Số lượng từ 10.000 yên (tờ tiền có mệnh giá lớn nhất của Nhật) tăng mạnh do người dân lo ngại nguy cơ nhiễm bệnh khi giao dịch tại ngân hàng hoặc các điểm rút tiền ATM.

Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật, tính đến cuối năm 2020, khối lượng tiền giấy được lưu thông với mệnh giá tiền lớn nhất là 10.000 yên đã tăng 5,3% so với một năm trước đó. Trong khi đó, ước tính của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho hay khối lượng tiền 10.000 yên mà người Nhật dự trữ trong "ngăn kéo" của họ tính đến cuối năm 2020 có giá trị khoảng 55.500 tỷ yên.

Khảo sát do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thực hiện theo hình thức số hóa cho kết quả tiền giấy và tiền xu đang được lưu hành giữa các gia đình và doanh nghiệp có giá trị khoảng 123.000 tỷ yên tính đến cuối năm 2020, tương đương chưa đầy 1 triệu yên/người.

Người Nhật tích lũy nhiều tiền mặt hơn vì lo ngại Covid-19 - 1

10.000 yên trở thành đồng tiền tích lũy chủ chốt của người Nhật giữa đại dịch

Hideo Kumano, nhà kinh tế trưởng tại Dai-ichi Life Research Institute Inc., cho biết việc tiền giấy 10.000 yên đang gia tăng lưu hành "là sự phản ánh cảm giác lo lắng ngày càng tăng trên thế giới".

Hiệp hội Ngân hàng Nhật Bản vào năm 2020 đã kêu gọi người dân hợp tác trong việc đảm bảo giãn cách tại các phòng giao dịch ngân hàng để giảm nguy cơ nhiễm coronavirus mới. Do vậy, nhiều người Nhật đã tích trữ tiền trong nhà nhằm hạn chế phải xếp hàng tại các nhà băng hoặc máy ATM.

Trước năm 2020, trung bình mỗi năm ngân khố Nhật Bản tăng số lượng đồng 10.000 yên lưu thông trong nền kinh tế khoảng 3-4%. Tuy nhiên, đến 2020, mức tăng đã là 5%.

Điều đáng ngạc nhiên là vào năm 2020, Chính phủ Nhật đã phê duyệt quyết định phân phát 100.000 yên tiền mặt cho mỗi người dân nhằm hỗ trợ thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thế nhưng, chỉ có tiền 10.000 đồng tăng tỷ lệ hiện hữu, còn lượng tiền 1.000 yên lại giảm 0,3%.

Dù cho rằng "rất khó để hiểu được lý do chính xác", Tsuyoshi Ueno, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu NLI, vẫn tin rằng sự sụt giảm của đồng 1.000 yên và tăng của đồng 10.000 yên có khả năng liên quan đến sụt giảm lượng cầu. Khi người dân ít ra ngoài dùng dịch vụ, mua hàng chủ yếu qua mạng và tăng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, quá trình thay đổi đồng tiền thường dùng trong dân chúng sẽ xảy ra. Trên thực tế, trong 1 thập kỷ gần đây, xu 500 yên được nhiều hơn hẳn so với đồng tiền giấy 100 yên hay xu 10 yên, dù công dụng của chúng chủ yếu chỉ là để đút vào hộp tiết kiệm tại nhà.

Tuy nhiên, việc tăng số lượng đồng 10.000 yên không phản ánh mức tăng lương tương ứng hay cuộc sống của người Nhật dễ chịu hơn. Theo khảo sát hàng tháng của Bộ Lao động Nhật Bản, tổng tiền lương của mỗi lao động Nhật đã giảm trong hai năm liên tiếp hiện chỉ còn 318.000 yên, giảm 1,2% so với một năm trước đó.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm