Người giàu cũng muốn mua nhà ở xã hội, làm gì để ngăn chặn?

Trần Kháng

(Dân trí) - Trước thực trạng nhà ở xã hội khan hiếm, chuyên gia cho rằng, cần phân loại đối tượng, người nào được mua trước, người nào mua sau, không để một số "cò mồi" lợi dụng chính sách.

Chia sẻ tại ChatToday số này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội - đánh giá, tình trạng cung rất lớn nhưng cầu không đáp ứng được, dẫn đến nhiều địa phương như Hà Nội hay Đà Nẵng người dân phải xếp hàng để đăng ký mua nhà ở xã hội từ tối hay nửa đêm.

Lý giải thực trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội, ông Điệp cho rằng, trong quá trình đô thị hóa của Việt Nam, đặc biệt giai đoạn vừa qua, tốc độ phát triển của chúng ta quá nhanh, cho nên các chính sách nhà ở của chúng ta luôn đi sau thực tiễn. Trong đó, chính sách phát triển nhà xã hội hiện nay có nhiều cản trở hoặc chưa đồng bộ, chưa đồng bộ dẫn đến nguồn cung luôn thiếu, kể cả những lúc thị trường thăng trầm nhất.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội chia sẻ với ChatToday (Video: Phạm Tiến - Trần Phương).

Thường thì những dự án nhà ở xã hội kéo dài 5 năm, 6 năm thậm chí nhiều hơn. "Việc cấp phép đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội còn kéo rất dài. Chẳng hạn chỉ có định giá để cho doanh nghiệp bán thôi cũng phải thẩm định một đến hai năm", ông Điệp nói.  

Bên cạnh đó làm nhà ở xã hội thì định mức lãi là 10% cũng là cái vướng mắc và quan trọng nhất là động lực để cho phát triển thì không có. "Rõ ràng lợi nhuận đang xung đột với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Doanh nghiệp không có lợi nhuận nên người ta không mặn mà lắm", ông Điệp nêu.

Ông cũng chỉ ra bất cập khi hiện nay nhà xã hội đang xây dựng hiện nay tại những khu vực có hạ tầng kỹ thuật rất kém và không đảm bảo. Còn những khu hạ tầng xã hội tốt, hạ tầng kỹ thuật tốt lại được đầu tư làm nhà ở thương mại lợi nhuận cao hơn.

Để tháo gỡ những khó khăn, ông đề xuất là nên vận hành xã hội này theo cơ chế thị trường. Hà Nội hay TPHCM dưới 20 triệu đồng/m2 thì được coi như nhà xã hội. "Mình vận hành theo cơ chế thị trường như vậy thì doanh nghiệp mới có chiến lược và chủ động trong vấn đề mua bán cũng như chiến lược kinh doanh. Điều này sẽ tạo động lực phát triển rất nhanh", ông Điệp nói.

Cung cầu mất cân đối, giá nhà xã hội và nhà thương mại chênh lệch cao, do đó dẫn đến việc người có điều kiện cũng muốn mua nhà ở xã hội.

"Chúng ta cần phân loại đối tượng ra những người nào được mua trước, người nào mua sau. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm về xác nhận đối tượng trước pháp luật, tránh để lợi dụng chính sách", ông Điệp nhấn mạnh.

ChatToday là talkshow với các nhân vật liên quan tới những vấn đề về kinh tế. Sản phẩm này do các thành viên Ban Kinh tế, Báo điện tử Dân trí lên ý tưởng và triển khai thực hiện.

Xuất hiện trên Dân trí và các nền tảng mạng xã hội của báo vào 9h ngày 1 và 16 hàng tháng, ChatToday đem đến những câu chuyện của nhân vật khách mời hoặc các góc nhìn, quan điểm của họ về một chủ đề kinh tế đang được bạn đọc quan tâm.