Vì sao người dân phải "ăn chực nằm chờ" để mua nhà ở xã hội?

Trần Kháng

(Dân trí) - Nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung nhà xã hội vẫn thấp dẫn tới việc tiếp cận, mua loại hình nhà ở ưu đãi này của người dân gặp nhiều khó khăn.

Nhà ở xã hội có ý nghĩa nhân văn rất lớn trong việc giúp đỡ các gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, có thể có được một căn nhà ổn định để sinh sống. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn dẫn tới nguồn cung loại hình nhà ở này khan hiếm, gây khó khăn cho người mua.

Đơn cử, người mua nhà ở xã hội phải chờ chực để nộp hồ sơ tại khu vực tiếp nhận của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã diễn ra nhiều ngày qua. Bên cạnh đó, có mua được nhà hay không, người mua vẫn còn phải chờ vào lá thăm may rủi quyết định.  

Để làm rõ những khó khăn, bất cập và đưa ra những giải pháp phát triển nhà ở xã hội, ChatToday số này đã mời ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội.

Nhà ở xã hội rất "hot" nhưng không dễ mua là chủ đề trong ChatToday số 16/5 (Video: Phạm Tiến).

Theo ông Điệp, người dân phải xếp hàng, nhờ người nọ người kia để xin được tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội xuất phát từ việc cung không đủ cầu. Bên cạnh đó, nhà thương mại hiện nay chênh lệch với nhà xã hội rất cao.

Chính vì lẽ đó, theo ông Điệp, cần phải quản lý chặt chẽ các thủ tục mua bán nhà ở xã hội. Đồng thời, cần phân loại đối tượng ra những người nào được mua trước, những người nào mua sau. Bởi, trong lúc khan hiếm chúng ta cần phải ưu đãi những trường hợp nào trước và quan trọng nhất.

Ngoài ra, theo ông, để mà giải quyết tận gốc sự chênh lệch lớn này, chúng ta cần tạo động lực để các doanh nghiệp tập trung triển khai nhà xã hội nhiều hơn. Qua đó, có thể thấy được, việc doanh nghiệp vừa tham gia xây dựng nhà xã hội như là trách nhiệm xã hội, một sự cống hiến.

ChatToday là talkshow với các nhân vật liên quan tới những vấn đề về kinh tế. Sản phẩm này do các thành viên Ban Kinh tế, Báo điện tử Dân trí lên ý tưởng và triển khai thực hiện.

Xuất hiện trên Dân trí và các nền tảng mạng xã hội của báo vào 9h ngày 1 và 16 hàng tháng, ChatToday đem đến những câu chuyện của nhân vật khách mời hoặc các góc nhìn, quan điểm của họ về một chủ đề kinh tế đang được bạn đọc quan tâm.