Ngoài lỗ 1,5 tỷ đồng, chủ khách sạn Palace Saigon còn bị phạt 2 tỷ mỗi ngày
(Dân trí) - Sở hữu loạt khách sạn có vị trí đắc địa tại TPHCM nhưng Bông Sen Corp đang gánh gần 5.500 tỷ đồng nợ trái phiếu, hoạt động kinh doanh lỗ 280 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Công ty cổ phần Bông Sen (Bông Sen Corp) vừa công bố báo cáo tình hình thanh toán gốc lãi bán niên năm 2023. Điểm đáng chú ý là mức lãi phạt lên tới hơn 500 tỷ đồng.
Cụ thể, tổng giá trị trái phiếu đối với lô trái phiếu BSECH2126003 là 4.800 tỷ đồng, số dư lãi vay đến ngày 30/6 là 150,5 tỷ đồng, số lãi phạt từ ngày 15/10/2022 đến ngày 30/6 là 517,9 tỷ đồng.
Chi tiết hơn, công ty này cần trả 4.800 tỷ đồng gốc trái phiếu, 127 tỷ đồng lãi coupon kỳ 4 và 23,5 tỷ đồng lãi coupon kỳ năm. 2 khoản coupon này được tính trên mức lãi suất 10,5%.
Ngoài ra công ty bị phạt 501,2 tỷ đồng của 4.800 tỷ đồng gốc trái phiếu chưa thanh toán, 14,2 tỷ đồng lãi chậm trả của coupon kỳ 4 và 2,4 tỷ đồng lãi chậm trả của coupon kỳ 5 chưa hoàn thành. Lãi suất phạt được áp dụng ở mức 15,75%.
Tính đến cuối kỳ, dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp này là 5.468,4 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi ngày nửa đầu năm Bông Sen Corp chịu mức lãi phạt tới 2 tỷ đồng.
Bên cạnh áp lực trả nợ trái phiếu lớn, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong nửa đầu năm tương đối ảm đạm.
Nửa đầu năm, công ty ghi nhận ghi nhận lỗ sau thuế 280 tỷ đồng, tiếp nối đà thua lỗ 82 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tính trung bình, mỗi ngày trong năm 2023, doanh nghiệp lỗ 1,55 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6, vốn chủ sở hữu của công ty là 6.973 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Công ty này duy trì đòn bẩy tài chính ở mức thấp. Hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu cuối quý II là 0,94 lần, cùng kỳ năm ngoái là 0,79 lần. Như vậy, nợ phải trả tại ngày 30/6 tương ứng là khoảng 6.555 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm ngoái.
Dựa vào số liệu tính toán được quy mô tổng tài sản của Bông Sen Corp hồi giữa năm ở mức 13.528 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,9% so với ngày 30/6/2022.
Hồi cuối tháng 8, Bông Sen Corp tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường trong đó thông qua việc xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành.
Tài sản thế chấp gồm 30% phần vốn góp của bà Trần Thị Phơ tại Công ty TNHH BĐS Trí Đức bảo đảm cho khoản vay cấp tín dụng, Giấy chứng nhận sở hữu 63,4 triệu cổ phần công ty Deaha thuộc sở hữu của Công ty Hợp thành 1 ngày 22/11/2017.
Ngoài ra còn có hồ sơ thế chấp các tài sản gồm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khách sạn Palace (55-56 Nguyễn Huệ, TPHCM), khách sạn Bông Sen 2 (61-63 Hai Bà Trưng, TPHCM), lô đất tại 5 Nguyên Thiệp, 24/24 Đông Du, 93-95-97 Đồng Khởi (TPHCM).
Nghị quyết cho biết trong trường hợp xử lý tài sản đảm bảo không đủ chi trả nghĩa vụ trái phiếu, Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Bông Sen thông qua việc xử lý các tài sản khác để tất toán toàn bộ nghĩa vụ trái phiếu.
Theo thông tin tự giới thiệu, Bông Sen Corp là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần từ tháng 1/2005, vốn điều lệ ban đầu là 130 tỷ đồng. Đến năm 2014, vốn điều lệ được nâng lên 816 tỷ đồng.
Công ty này hiện sở hữu và quản lý hàng loạt các khách sạn, nhà hàng có vị trí đắc địa tại TPHCM như khách sạn Palace Saigon, khách sạn Bông Sen Saigon, khách sạn Bông Sen Annex, nhà hàng Vietnam House, Lemongrass, Calibre, Bier Garden, Buffet Gánh Bông Sen, chuỗi bánh ngọt Brodard.
Năm 2015, Bông Sen Corp từng công bố kế hoạch đầu tư tới 3.650 tỷ đồng để mua lại 51% vốn tổ hợp thương mại Daeha (bao gồm khách sạn Daewoo) tại Hà Nội.