1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bất ngờ với lỗ lãi của các công ty quản lý 3 công viên lâu đời nhất Hà Nội

Ninh An

(Dân trí) - Quản lý những công viên lâu đời tại Hà Nội nhưng có công ty lợi nhuận đạt chục tỷ đồng, có công ty chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu đồng.

Mới đây, HĐND TP Hà Nội thông qua tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư 15.085 tỷ đồng với 30 dự án đầu tư công trên địa bàn và điều chỉnh chủ trương đầu tư 12.446,9 tỷ đồng với 4 dự án. 

Trong đó, Hà Nội dành hơn 408 tỷ đồng để cải tạo Công viên Thống Nhất, gần 330 tỷ đồng để cải tạo Công viên Thủ Lệ và gần 149 tỷ đồng để cải tạo Công viên Bách Thảo. Tổng số vốn dùng để cải tạo các công viên này là 886,4 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp đang quản lý các công viên này hiện kinh doanh ra sao?

Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất

Doanh nghiệp này hiện là đơn vị quản lý Công viên Thống Nhất. Theo báo cáo kết quả thực hiện sản xuất kinh doanh năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023, tổng doanh thu của đơn vị này trong năm 2022 đạt 34,4 tỷ đồng, vượt gần 11% so với kế hoạch được giao.

Doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng do tình hình Covid-19 chỉ ảnh hưởng trong quý I, từ tháng 4/2022 tình hình sản xuất kinh doanh phát triển trở lại, doanh thu vé cổng, vé xe, vé vui chơi, doanh thu hội chợ và tổ chức sự kiện tăng lên.

Một chi tiết thú vị là công ty cho biết doanh thu "phá dỡ hàng rào" đường Trần Nhân Tông là 244 triệu đồng.

Tuy nhiên công ty này chỉ đạt mức lợi nhuận sau thuế ở 272 triệu đồng. Như vậy biên lợi nhuận vào khoảng 0,77% trong năm 2022. Vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất tại cuối năm ngoái ghi nhận mức 35,2 tỷ đồng, không đổi so với năm trước.

Báo cáo cho biết năm 2022, doanh nghiệp có 211 lao động với tổng quỹ lương là 17,2 tỷ đồng. Tiền lương bình quân của quản lý doanh nghiệp là 17 triệu đồng/tháng. Tiền lương bình quân của người lao động là 6,6 triệu đồng/tháng.

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội là đơn vị quản lý Công viên Bách Thảo. Theo báo cáo kết quả thực hiện sản xuất kinh doanh năm 2022 công bố hồi tháng 6, tổng doanh thu của đơn vị này trong năm 2022 đạt 230,9 tỷ đồng, đạt gần 70 % so với kế hoạch được giao.

Doanh nghiệp cho biết doanh thu năm 2022 giảm sút đáng kể do lợi nhuận Liên doanh với Công ty TNHH Làng hoa Thụy Khuê chuyển về giảm nhiều so với những năm trước.

Công tác trang trí phục vụ các ngày lễ, tết giảm quy mô, khối lượng theo các văn bản chỉ đạo của Thành phố, không thực hiện trang trí phục vụ tổ chức lễ hội Anh đào Nhật Bản - Hà Nội, phục vụ chào mừng Seagames 31, trang trí phục vụ giải đua F1.

Bất ngờ với lỗ lãi của các công ty quản lý 3 công viên lâu đời nhất Hà Nội - 1

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội là đơn vị quản lý Công viên Bách Thảo (Ảnh: Thế Hưng).

Ngoài ra giảm doanh thu do giảm khối lượng duy trì cây xanh, thảm cỏ, cây bóng mát mới trồng thuộc các dự án.

Công ty này ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế ở mức 17,9 tỷ đồng, vượt 61% kế hoạch được giao. Như vậy biên lợi nhuận vào khoảng 7,8% trong năm 2022.

Báo cáo cho biết năm 2022, doanh nghiệp có 533 lao động với tổng quỹ lương là 57,2 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội

Công ty này là đơn vị quản lý Công viên Thủ Lệ. Doanh nghiệp này mới công bố báo cáo tài chính tổng hợp của hoạt động sản xuất kinh doanh và dự án 6 tháng đầu năm.

Theo đó, nửa đầu năm doanh nghiệp đạt 46,2 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 15% so với mức 54,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 5,4 tỷ đồng, giảm hơn 66% so với nửa đầu năm 2022.

Sở dĩ doanh nghiệp giảm mạnh lợi nhuận do doanh thu giảm nhưng các khoản chi phí đều tăng và lợi nhuận khác giảm mạnh.

Cụ thể, giá vốn hàng bán trong nửa đầu năm ở mức 36,1 tỷ đồng (tăng 6,5%), chi phí quản lý doanh nghiệp là 4,6 tỷ đồng (tăng 12%). Ngoài ra thu nhập khác trong nửa đầu năm ghi nhận 24,9 tỷ đồng, giảm hơn 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bất ngờ với lỗ lãi của các công ty quản lý 3 công viên lâu đời nhất Hà Nội - 2

Công viên Thủ Lệ (vườn thú Hà Nội) đang bị quy hoạch lộn xộn (Ảnh: Thế Hưng).

Tại thời điểm cuối quý II, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 168,9 tỷ đồng, giảm hơn 2%. Trong đó tài sản ngắn hạn ở mức 76,1 tỷ đồng (chiếm  45%), tài sản dài hạn là 92,7 tỷ đồng (chiếm 55%).

Doanh nghiệp có nợ phải trả ở mức 27,3 tỷ đồng, chủ yếu là quỹ khen thưởng, phúc lợi với 16,5 tỷ đồng. Công ty không có các khoản vay và nợ tài chính tài chính ngắn hạn và dài hạn.