Ngành dịch vụ nhà hàng ở Nhật tái khủng hoảng

Châu Anh

(Dân trí) - Nhà hàng, quán bar và quán karaoke… ở Nhật Bản đang phải chịu gánh nặng từ các biện pháp hạn chế của chính phủ trong đại dịch Covid-19.

Giống như rất nhiều nhà hàng ở thành phố được công nhận đẳng cấp Michelin nhiều nhất thế giới, Ginza Isomura đang phải vật lộn từng ngày để vượt qua cuộc khủng hoảng trong đại dịch mới nhất làm rung chuyển ngành khách sạn.

Giữ vai trò chủ lực ở một trong những khu mua sắm và ăn uống đắt đỏ nhất Tokyo nhiều thập kỷ qua, nhà hàng từng là nơi phục vụ các món ăn cho thực khách từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, khi Covid-19 bắt đầu bùng phát, doanh số bán hàng đã giảm mạnh do các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và những quy định yêu cầu ở nhà.

Goshi Isomura, chủ sở hữu nhà hàng, đã quyết định giảm quy mô hoạt động bằng cách đóng cửa địa điểm hàng đầu và một quán rượu izakaya cao cấp liền kề vào tháng 9/2020. Đó là một quyết định đầy khó khăn đối với Isomura khi đóng cửa nhà hàng đã gắn bó suốt bao nhiêu năm qua. "Và bây giờ, tôi còn không lường trước được tình trạng khẩn cấp khác sẽ tác động đến mức độ nào", Isomura nói.

Ngành dịch vụ nhà hàng ở Nhật tái khủng hoảng - 1

Trước khi Covid-19 xảy ra, Ginza Isọmura là một nhà hàng cao cấp ở khu Ginza của Tokyo với những món ăn được chế biến cầu kỳ và đẹp mắt.

Tình cảnh của ông một lần nữa được lặp lại trong ngành khách sạn Nhật Bản - những người vẫn luôn phải vật lộn với việc nới lỏng giãn cách xã hội của Nhật Bản từ năm ngoái. Và thậm chí, tình trạng khẩn cấp đang bao phủ Tokyo và 10 quận khác đã ảnh hưởng rất lớn đến các nhà hàng và quán bar, làm dấy lên lo ngại về những tác động lâu dài đến nền ẩm thực của quốc gia nổi tiếng này.

"Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà chúng tôi phải đối mặt trong lịch sử 40 năm qua của mình", Isomura nói.

Ngành dịch vụ nhà hàng ở Nhật tái khủng hoảng - 2
Các quán karaoke đã bị ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng khẩn cấp được thông báo gần đây. Ảnh: Japan Times.

Chồng chéo những thông báo

Nhật Bản vẫn đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng nhiễm Covid-19 gia tăng trong những tháng gần đây. Các chuyên gia cho rằng các bữa tiệc cuối năm, thời tiết lạnh và hệ thống thông gió kém là một phần nguyên nhân khiến số ca mắc tăng đột biến, đặc biệt là ở cách thành phố lớn như Tokyo.

Các nhà hàng, quán bar và quán karaoke được yêu cầu đóng cửa lúc 20h tối. Mọi sự kiện đông người bị hạn chế và người dân được khuyến cáo tránh ra ngoài vào ban đêm nếu không thật cần thiết. Các công ty được khuyến khích để nhân viên làm việc tại nhà hoặc chia theo ca. Tuy nhiên, vẫn không có sự cải thiện đáng kể về số ca mắc bệnh và các chuyên gia cho rằng rất có thể các biện pháp mạnh tay hơn sẽ được chính quyền của Thủ tướng Suga đưa ra trong một tháng tới.

Đổi lại, nhà chức trách chi khoản tiền mặt trị giá 60.000 yên/ngày để trợ cấp cho các nhà hàng tuân thủ theo quy định giãn cách xã hội. Đối với các cơ sở nhỏ như Ibus, một quán rượu ở khu thương mại Toranomon, trợ cấp là cứu cánh thực sự. Kengo Iwata, chủ sở hữu quán bar, cho biết lợi nhuận bán hàng mỗi ngày trước khi ban bố tình trạng khẩn cấp là khoảng 50.000 yên, sau khi đã trừ đi tiền thuê địa điểm và các khoản phí khác. "60.000 yên là món tiền không hề tệ với chúng tôi lúc này".

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp lớn, con số này chỉ là muối bỏ bể. Khi không có các chế tài pháp lý nào để buộc những nhà hàng phải tuân thủ, món tiền này không thể trở thành động lực tài chính để các công ty, đặc biệt là các chuỗi hay nhà hàng lớn, thay đổi quan điểm kinh doanh. Ví như chuỗi nhà hàng Izakaya Watami Co. đang tạm thời đóng cửa 83 trong số khoảng 100 cơ sở kinh doanh ở khu vực Tokyo, và điều này khiến doanh thu giảm tới 500 - 600 triệu yên.

Kozo Hasegawa, CEO của Global-Dining Inc. thậm chí khẳng định sẽ không thể duy trì hoạt động kinh doanh và việc làm nếu các nhà hàng của công ty đóng cửa lúc 20h. Ông này cũng cho rằng rút ngắn thời gian mở cửa chẳng mang lại hiệu quả nào trong việc kiểm soát dịch bệnh. "Chúng tôi dự định tiếp tục hoạt động như bình thường," Hasegawa tuyên bố.

Ngành dịch vụ nhà hàng ở Nhật tái khủng hoảng - 3
Ngành dịch vụ nhà hàng ở Nhật tái khủng hoảng

Cơ hội ở những nơi khác

Áp lực đối với lĩnh vực dịch vụ nhà hàng đang tác động đến thị trường bất động sản khi các cơ sở ở trung tâm đô thị bị đóng cửa hàng loạt. Số lượng nhà đất cho thuê, chuyển nhượng trên inshokuten.com, một trang web liệt kê các nhà hàng và quán bar có sẵn cho thuê, đã tăng khoảng 20% trong năm qua.

Hikaru Hosokawa, quản lý tại Synchro Food Co., công ty điều hành dịch vụ, cho biết các khu nhà ở kinh doanh của Tokyo có vị trí thuận tiện gần các nhà ga - những nơi được coi là vị trí tốt cho các nhà hàng - đã tăng lượng đăng bán gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước.

Nếu như nguồn cầu về địa điểm kinh doanh giá rẻ dưới 300.000 yên/tháng tăng lên, thì các cơ sở đắt đỏ hơn ở các trung tâm thành phố với giá 500.000 yên lại vắng khách. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp tính toán tới việc chuyển địa điểm kinh doanh ra các khu vực ngoại thành để tiết kiệm chi phí trong thời điểm kinh doanh khó khăn này.

Dẫu vậy, việc thay đổi địa điểm kinh doanh sẽ không thể diễn ra một sớm một chiều, nên các nhà hàng đã buộc phải tìm đến các phương án khả thi khác nhằm nhanh chóng tăng doanh thu. Nhiều nhà hàng chuyển sang cung cấp dịch vụ bán bữa ăn, chế biến hộ…, để vừa giúp mình vừa giúp các hộ gia đình khó khăn do yêu cầu giãn cách xã hội.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm