Ném nước vào người chim, xoay cầu lửa quanh đầu và loạt lễ hội kỳ lạ ở Nhật
(Dân trí) - Ở đất nước Nhật Bản, có rất nhiều lễ hội được gọi là kisai (lễ hội kỳ lạ), chúng được coi là bất thường ngay cả với hầu hết người Nhật.
Hàng năm, ở Nhật Bản có vô số lễ hội tôn giáo và dân gian được tổ chức trải dài theo các tháng.
Xoay quả cầu lửa đang cháy quanh đầu - tỉnh Akita
Lễ hội lịch sử này được tổ chức ở Kakunodate, tỉnh Akita, từ thời Edo (1603-1868). Đây được xem là biểu tượng của sự thanh tẩy trong truyền thống của Nhật Bản, để xua đuổi những linh hồn xấu xa.
Du khách từ xa cũng được phép tham gia lễ hội. Mỗi người sẽ được phát một túi rơm chứa đầy than củi buộc bằng một sợi dây dài khoảng 1m. Người ta sẽ đốt cháy túi rơm, trong khi đó người tham gia sẽ xoay túi rơm đang cháy vòng quanh người để xua đuổi xui xẻo. Theo quan niệm của người Nhật Bản, sau nghi lễ, mang sợi dây về nhà sẽ mang lại may mắn.
Ném nước vào người chim - tỉnh Yamagata
Đây cũng là một lễ hội truyền thống dân gian khác có từ đầu thời Edo - Kasedori. Những người tham gia sẽ mặc áo khoác rơm tượng trưng cho kendai (người chim) đi diễu hành quanh làng. Trong khi đó, người dân và cả du khách sẽ ném nước vào người kendai để cầu mong mùa màng bội thu và làm ăn phát đạt.
Suốt lễ hội sẽ vang lên bài hát "Kakkakka no Kakkakka", mô phỏng tiếng kêu của một con chim. Sau khi nghi lễ kết thúc, những mảnh rơm bị ngấm nước thường sẽ tự rơi ra khỏi kendai. Người ta tin rằng buộc một trong số chúng vào tóc của một cô gái trẻ sẽ mang lại cho cô ấy một mái tóc đen óng quyến rũ và sự may mắn.
Xây dựng một ngôi đền và tự đốt - tỉnh Nagano
Đây là một trong ba lễ hội lửa lớn ở Nhật Bản, sự kiện này sẽ khiến bạn cảm nhận được sức mạnh của ngọn lửa từ cự ly rất gần. Trước khi lễ hội diễn ra, người dân sẽ xây một ngôi đền bằng gỗ và cây gai dầu (quá trình xây dựng mất khoảng 2 ngày).
Trong lễ hội, một trận chiến được tổ chức giữa hai nhóm dân làng, một nhóm bảo vệ ngôi đền và nhóm còn lại cố gắng phóng hỏa. Cuối cùng, ngôi đền được đốt cháy để cầu xin một mùa màng bội thu, sức khỏe và tài lộc.
Giữa cái nóng của bếp lửa và hơi ấm của tình người, cái lạnh buốt của mùa đông sẽ không còn nữa. Một ngày sau lễ hội, người dân sẽ tổ chức nướng bánh gạo trên than hồng ở chính địa điểm nơi ngôi đền bốc cháy. Người dân địa phương tin rằng, ăn một miếng bánh gạo sẽ không bị cảm lạnh trong cả năm.