1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Năm 2019: Tập trung kiểm toán việc sử dụng đất của khối doanh nghiệp nhà nước

(Dân trí) - Theo tin từ Kiểm toán Nhà Nước (KTNN), trong kế hoạch kiểm toán năm nay, KTNN sẽ thực hiện các chuyên đề kiểm toán về việc quản lý, sử dụng đất (SDĐ) trong và sau quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 – 2017".

dat.jpg

Quản lý, sử dụng đất đai tại nhiều doanh nghiệp nhà nước rất lỏng lẻo (Ảnh minh họa) 

 

Theo đánh giá chung của KTNN, thời gian qua, việc quản lý và sử dụng đất trong thời gian qua tại nhiều cơ quan, địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa áp dụng đầy đủ và đúng các quy định của pháp luật, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, thủ tục hành chính về đất đai. Mặt khác, các quy định hiện hành về quản lý và sử dụng đất đai còn nhiều vướng mắc, bất cập và thiếu đồng bộ.

Do đó, trong năm 2019, KTNN sẽ thực hiện các cuộc kiếm toán chuyên đề về quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2017. Đây là cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội.

Đáng chú ý, KTNN cũng song song thực hiện một chuyên đề kiểm toán lớn khác về "Việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT giai đoạn 2014 – 2018 tại thành phố Hà Nội, Tp.HCM, Bắc Ninh, Thanh Hóa".

Theo KTNN, các cuộc kiểm toán này sẽ tập trung vào việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, kiến nghị xử lý tài chính, tăng thu NSNN các khoản phải nộp tăng thêm; kịp thời chuyển cơ quan điều tra các sai phạm có dấu hiệu vi phạm luật hình sự để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Qua các cuộc kiểm toán trên, KTNN dự kiến sẽ kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đất đai… nhằm phát hiện các tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách để bịt các lỗ hổng, tránh thất thoát NSNN.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Phó Tổng KTNN Nguyễn Quang Thành cho rằng, BT là một trong các hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) triển khai ở Việt Nam thời gian qua, trong bối cảnh NSNN khó khăn, các dự án đầu tư theo hình thức này góp phần không nhỏ vào việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương; đồng thời giảm áp lực nợ công, kích cầu đối với sản xuất trong nước, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Song đây là một chính sách mới, chứa đựng các rủi ro nhất định trong quá trình tổ chức thực hiện trong khi các dự án theo loại hình đầu tư này liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, tác động không hề nhỏ tới kinh tế - xã hội. Do vậy, KTNN đã và đang tập trung, đẩy mạnh việc kiểm toán các dự án BT, đặc biệt là các dự án thực hiện theo cơ chế đổi đất lấy hạ tầng.

Được biết, kết quả kiểm toán tại 35 dự án, kiến nghị xử lý tài chính 7.453 tỷ (có dự án tỷ lệ xử lý tài chính chiếm 27% giá trị được kiểm toán), việc thực hiện các dự án BT theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng còn thiếu chặt chẽ và minh bạch, chưa thật sự rõ ràng nên dễ tạo lỗ hổng thất thoát ngân sách và tài sản công.

 Trong thời gian qua, KTNN đã thực hiện 48 cuộc kiểm toán có nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đô thị trong các năm 2016-2018, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 10.918 tỷ đồng; kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chỉnh sửa, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt quản lý, sử dụng đất như việc hướng dẫn phương pháp định giá đất, việc xác định giá khởi điểm của thửa đất đấu giá…

Hà Nguyễn 

banner_chan-bai.gif