Muốn mua đất nền dưới 1 tỷ đồng phải đi cách TPHCM hơn 50 km
(Dân trí) - Nhu cầu mua bất động sản giá rẻ vẫn còn rất lớn, đặc biệt là phân khúc đất nền dưới 1 tỷ đồng lân cận TPHCM. Tuy nhiên, để mua đất nền dưới 1 tỷ đồng, khách phải đi cách TPHCM 50 km.
Chị Nguyễn Thùy Trang (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, chị và gia đình đang tìm mua đất nền dưới 1 tỷ đồng ở những khu vực lân cận TPHCM. Tuy nhiên, hai tháng qua, chị vẫn chưa thể tìm được mảnh đất ưng ý.
Trong vai người đi mua đất nền dưới 1 tỷ đồng, chúng tôi liên hệ với anh Trần Hữu Quân, nhân viên môi giới bất động sản tại quận 9 (Thành phố Thủ Đức).
Anh Quân cho biết, hiện nay, muốn mua đất nền dưới 1 tỷ đồng thì phải đi cách TPHCM khoảng hơn 50 km. Những khu vực này thường có giá dao động 11 - 12 triệu đồng/m2.
Theo anh Quân, nhà đầu tư và khách hàng mua để ở thường chọn đất nền dưới 1 tỷ đồng ở khu vực Bình Dương do đường sá rộng rãi và không tốn nhiều thời gian di chuyển về TPHCM.
"Đất nền các khu vực gần TPHCM như thành phố Dĩ An, Thuận An hay Thủ Dầu Một đều đã có giá rất cao. Chính vì vậy, với giá tiền dưới 1 tỷ đồng thì mua được đất có sổ hồng riêng ở khu vực thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng cách TPHCM hơn 50 km. Một nền 80 m2 có giá khoảng gần 900 triệu đồng", anh Quân nói.
Cũng theo anh Quân, những dự án bất động sản nằm gần Quốc lộ 13 được nhiều khách hàng lựa chọn, bởi đây là tuyến đường huyết mạch nối TPHCM - Bình Dương - Bình Phước.
Anh chia sẻ thêm, đối tác của công ty anh cũng đang triển khai dự án quy mô gần 2,5 ha tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng với 265 nền diện tích từ 80 - 160 m2 để "đón sóng" thị trường.
Ông Ngô Quốc Tuấn, một nhà đầu tư tại quận 1 (TPHCM), cho biết, Bình Dương, Đồng Nai và Long An vẫn là những điểm đến quen thuộc của nhà đầu tư. Tuy nhiên, xét về tính kết nối giao thông thì Bình Dương đang có ưu thế hơn 2 tỉnh còn lại.
Ngoài việc phát triển hạ tầng thì việc phát triển nhiều khu công nghiệp (KCN) lớn cũng là "điểm cộng" cho Bình Dương. Bởi, việc phát triển các KCN sẽ kéo theo nhu cầu mua nhà ở thật của người dân.
"Ví dụ như huyện Bàu Bàng có nhiều KCN đang được xây dựng với quy mô lớn như KCN Bàu Bàng (3.200 ha), KCN Tân Bình (hơn 1.400 ha), KCN Lai Hưng (600 ha), KCN Cây Trường (700 ha)... Địa phương này đang được định hướng trở thành "thủ phủ công nghiệp" mới của Bình Dương nhằm giải tỏa áp lực của các trung tâm công nghiệp ở 3 thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An. Chính vì vậy, bất động sản ở đây sẽ có nhiều cơ hội", ông Tuấn nói.
Theo UBND huyện Bàu Bàng, tính đến cuối năm 2020, Bàu Bàng đã thu hút 1.000 dự án phát triển công nghiệp, bao gồm 816 dự án trong nước với tổng giá trị hơn 29.700 tỷ đồng và 184 dự án FDI với vốn đầu tư 3,6 tỷ USD.
Hạ tầng giao thông tại Bàu Bàng cũng được triển khai mạnh mẽ với mục đích tăng cường giao thương kết nối liên vùng. Bên cạnh Quốc lộ 13 đã mở rộng lên 6 làn xe, đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng dài 62 km kết nối từ trung tâm hành chính Bàu Bàng đến ngã 3 Tân Vạn (quốc lộ 1) cũng vừa được khai thông toàn tuyến.
Ngoài ra, Bàu Bàng còn một loạt dự án lớn đang đầu tư như cao tốc đường Hồ Chí Minh kết nối cao tốc Đức Hòa - Chơn Thành, cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Bàu Bàng - Chơn Thành, đường Bàu Bàng - Phú Giáo - Bắc Tân Uyên, đường Mỹ Phước - Bàu Bàng, ĐT 750, ĐT 749C, ĐT 741B, Vành đai 4, Vành đai 5…
Cũng theo UBND huyện Bàu Bàng, khi các tuyến đường hoàn thành sẽ tạo thành mạng lưới liên kết xuyên suốt giữa Bàu Bàng với các trung tâm kinh tế lớn khu vực phía Nam.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, thị trường bất động sản tại Bình Dương đã phát triển rất mạnh trong nhiều năm qua nhờ tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh này trong quy hoạch, phát triển đô thị.
Điều đó đã làm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến Bình Dương đầu tư ngày một nhiều hơn, đưa tốc độ đô thị hóa của tỉnh thuộc vào hàng cao nhất cả nước. Trước đây, dự án bất động sản tập trung chủ yếu ở thành phố mới Bình Dương, Thủ Dầu Một thì thời gian này lại tập trung tại các huyện Bàu Bàng, Bến Cát do hạ tầng giao thông khu này đang phát triển nhanh.