Mua nhà cận Tết, người cười, người đau đầu vì môi giới làm phiền
(Dân trí) - Lựa chọn mua nhà trước Tết với suy nghĩ để dễ dàng đàm phán về giá, tận dụng ưu đãi, hưởng giá hời, nhưng không phải ai cũng may mắn mua được căn nhà ưng ý với giá tốt.
Có người mừng vì mua được nhà giá hời
Vui mừng khi vừa chốt đặt cọc được một căn nhà trong một ngõ của phố Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội), vợ chồng chị Vũ Thị Dung đang tất bật xoay xở đủ tiền để công chứng chuyển nhượng quyền sở hữu trước Tết. Căn nhà chị mua có diện tích 38m2, cao 5 tầng, giá chỉ 3,2 tỷ đồng.
Theo chị Dung, đây là mức giá rất "hời" bởi nằm ở vị trí khá trung tâm, mặt ngõ rộng thoáng, chỉ cần sửa sang một chút là có thể ở hoặc cho thuê tốt. Do chủ nhà cần tiền gấp nên dễ dàng thương lượng giá hơn.
Tương tự, khi nghe ngóng được giá nhà đang giảm dịp trước Tết, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội) hơn một tháng nay cũng ngược xuôi tìm mua căn hộ chung cư để có thể chuyển vào ở trước Tết. Mức tài chính mong muốn của anh Thắng là 1,8-2 tỷ đồng.
"Với mức tài chính này, việc mua chung cư mới xây là hoàn toàn không có cơ hội nên vợ chồng tôi đành chọn mua căn hộ thứ cấp, đã qua sử dụng. Tuy nhiên, dạo quanh khu vực quận Hoàng Mai và Thanh Xuân, với mức giá này cũng khó tìm được căn hộ ưng ý", anh Thắng nói.
Không bỏ cuộc, vợ chồng anh Thắng tiếp tục nhờ môi giới tìm thêm, đặc biệt là "săn" những căn hộ trước đây chủ cũ dùng để đầu tư cho thuê, nhưng giờ cần bán gấp vì lãi suất ngân hàng lên cao, không đủ khả năng chi trả.
Cuối cùng, vợ chồng anh đã tìm được một căn hộ tại quận Hoàng Mai có diện tích 69m2, 2 phòng ngủ với giá 1,8 tỷ đồng, hơn cả mong đợi.
"Chúng tôi vừa công chứng xong, dự kiến 26 tháng Chạp là nhập trạch. Vất vả một chút, nhưng nếu không mua lúc này thì chắc sẽ khó có cơ hội mua được mức giá 'hời' như vậy", anh Thắng chia sẻ.
Môi giới lòng vòng, đau đầu vì phiền phức
Thực tế, không phải ai cũng may mắn như anh Thắng hay chị Dung. Thời điểm trước Tết, nắm được tâm lý nhiều khách hàng muốn mua nhà giá rẻ, nhiều môi giới tự phát đã sử dụng các chiêu trò lừa đảo để trục lợi, không ít người dính bẫy, phiền phức.
Đơn cử, trường hợp của chị Ngô Thị Hằng, khi tham khảo các thông tin rao bán nhà đất khu vực huyện Thanh Trì (Hà Nội) thì bị môi giới liên tục "khủng bố".
"Dù thông tin rao bán là 2 tỷ đồng, nhưng khi đi xem nhà, môi giới lại đưa tôi đến những căn nhà có giá trị 3-4 tỷ đồng. Mức giá căn nhà đã đi xem đều ngoài khả năng tài chính của tôi", chị Hằng nói.
Cũng theo chị Hằng, dù mất thời gian đi xem đúng ý mình, chị còn liên tục bị môi giới gọi điện làm phiền, giới thiệu hết căn này tới căn kia. "Cuối năm công việc bận rộn, nhưng hàng ngày có tới hàng chục cuộc điện thoại lạ gọi đến. Họ hỏi tôi đang có nhu cầu mua không và giới thiệu rất nhiều căn nhà khác nhau", chị Hằng bức xúc và cho biết, có lúc chị phải tắt máy để tập trung công việc.
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, từ cuối năm đến Tết, nhu cầu mua nhà tăng, nhưng thường dẫn đến tâm lý vội vàng, không mua nhanh sẽ mất cơ hội.
Ông Điệp nói, nếu không suy xét kỹ có thể sập bẫy của những người lừa đảo. Bên cạnh chiêu tư vấn bán hàng không đúng như trường hợp chị Hằng, một số người còn mua phải hàng tồn kho, chưa được giá hoặc vướng vào tranh chấp, tính pháp lý chưa rõ ràng. Thậm chí, có trường hợp còn mua phải căn nhà đã bán cho người khác, tức cùng một căn, nhưng lại làm giả nhiều sổ đỏ.