Môi giới địa ốc chật vật trở lại

Các lệnh giãn cách đã chính thức được gỡ bỏ từ đầu tháng 10, song nhiều công ty môi giới bất động sản vẫn chỉ hoạt động cầm chừng, việc tư vấn, giao dịch gặp không ít khó khăn vì nhiều nguyên nhân...

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, bà Trần Thùy Linh, Phó Giám đốc Đức Linh Real - đơn vị đang phân phối nhiều dự án tại Lâm Đồng và một số địa phương khác cho biết, các địa phương khu vực phía Nam đã mở cửa trở lại hơn 2 tuần qua, nhưng hiện nhân viên công ty vẫn chưa thể đưa khách đi tham quan dự án được bởi "mỗi nơi một quy định".

"Do việc đi lại chưa được thuận tiện nên chúng tôi gặp không ít khó khăn trong việc bán hàng, bởi đặc thù của ngành bất động sản là khách hàng cần tới trực tiếp dự án tham quan rồi mới quyết định có mua hay không. Do vậy, chúng tôi mong muốn những trở ngại này sớm được giải quyết để hoạt động kinh doanh được thuận lợi hơn", bà Linh nói.

Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam cũng cho hay, sau gần 3 tuần khởi động trở lại, tâm lý nhân viên khá phấn khởi, hào hứng. Tuy nhiên, rất ít giao dịch mua bán được thực hiện vì hầu hết các dự án DKRA Việt Nam tham gia phân phối đều ở tỉnh, đi lại vẫn chưa thực sự thông thoáng nên nhân viên vẫn tư vấn cho khách hàng qua các nền tảng trực tuyến và chỉ hẹn khách trực tiếp khi cần thiết.

Môi giới địa ốc chật vật trở lại - 1

Hoạt động môi giới bất động sản vẫn chưa thể trở lại bình thường sau giãn cách (Ảnh: Việt Dũng).

"Việc tư vấn, bán hàng online trong suốt thời gian giãn cách đã giúp nhân viên môi giới chuyên nghiệp hơn. Tuy vậy, các dự án chúng tôi đang bán chủ yếu ở Bình Thuận, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…, nên sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu đưa được khách trực tiếp xuống dự án tham quan. Chúng tôi rất mong TPHCM và các địa phương lân cận sớm thống nhất việc đi lại để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp", ông Lâm nói.

Tương tự, anh Thắng, Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại tỉnh Bình Dương, chia sẻ công ty đã hoạt động lại gần 3 tuần nhưng chỉ có khoảng 30% nhân viên đi làm, số còn lại vẫn bị kẹt ở quê. Do thiếu nhân sự nên việc kinh doanh của công ty chưa thể bình thường trở lại. Chưa kể, số nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine không nhiều nên chưa thể gặp gỡ trực tiếp khách hàng để tư vấn.

"Việc phải bảo đảm số lượng người đi làm mà vẫn an toàn, hiệu quả trong giai đoạn này không dễ. Vì thế, công ty chưa tham gia phân phối thêm dự án mới, mà chờ thêm một vài tuần nữa mới tính tiếp", anh Thắng cho hay.

Chia sẻ về công tác bán hàng trong thời điểm hiện nay, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Bất động sản Asian Holding, cho biết dù nhân viên môi giới và khách hàng của công ty đều đã có "thẻ xanh Covid", nhưng vẫn lo ngại về tình hình dịch bệnh. Ngoài ra, ảnh hưởng dịch khiến thu nhập của khách hàng giảm sút nên rất thận trọng trước khi "xuống tiền".

"Dịch bệnh khiến tình hình tài chính của nhiều khách hàng bị ảnh hưởng nên họ cân nhắc rất nhiều khi đầu tư vào tài sản lớn như bất động sản. Nếu như trước dịch khách hàng chỉ cần vài ngày để ra quyết định mua nhà đất, thì nay thời gian kéo dài hàng tuần, thậm chí lâu hơn", ông Hậu nói.

Tuy vậy, ông Hậu vẫn đưa ra đánh giá lạc quan về thị trường những tháng cuối năm khi cho rằng, nguồn tiền trong dân vẫn nhiều và nhu cầu sở hữu bất động sản vẫn lớn, nên từ tháng 11 trở đi sẽ có nhiều giao dịch hơn. Về thị trường chung, những tháng cuối năm sẽ khởi sắc hơn khi các chủ đầu tư lớn cũng đang đẩy mạnh ra hàng kèm nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn.

Ở góc nhìn thận trọng hơn, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá, thị trường bất động sản sẽ khó bật tăng mạnh ngay sau giãn cách, cho dù nhiều dự án được tái khởi công, nhiều chủ đầu tư bung hàng để đón thời điểm "vàng" cuối năm.

"Từ nay đến hết năm, thị trường bất động sản phía Nam sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá khi kinh tế khu vực này vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch. Thị trường cần thêm thời gian phục hồi, nhanh cũng phải hết quý I/2022, còn chậm phải chờ đến cuối năm 2022, thậm chí tới đầu năm 2023 mới có thể tăng mạnh trở lại", ông Hiển dự báo.