"Miếng bánh" quỹ bảo trì chủ đầu tư 'om' không chịu trả, cư dân có thể khởi kiện?
Tại nhiều chung cư, phí bảo trì là một trong những vấn đề gây tranh chấp giữa ban quản trị và chủ đầu tư. Sự không minh bạch, co kéo, thậm chí chây ỳ trong việc bàn giao phí bảo trì dẫn dến bên chịu thiệt là cư dân.
Xử phạt rồi… để đó
Nhận bàn giao căn hộ và thành lập ban quản trị gần chục năm nay, tuy vậy hiện cư dân chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú, TP.HCM) vẫn đang đấu tranh để buộc chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia (Công ty Khang Gia) bàn giao hơn 5,8 tỷ đồng phí bảo trì. Các hạng mục thuộc sở hữu chung của chung cư xuống cấp nhưng ban quản trị (BQT) không có kinh phí sửa chữa, bảo trì, ảnh hưởng đến an toàn cuộc sống cư dân.
Vào tháng 5/2019, UBND TP.HCM đã ra quyết định xử phạt hành chính 125 triệu đồng đối với Công ty Khang Gia về hành vi không bàn giao phí bảo trì cho BQT chung cư. Mặc dù hứa sẽ bàn giao phí bảo trì cho cư dân nhưng đến nay Công ty Khang Gia vẫn không thực hiện.
Trước sự “chây ỳ” của Công ty Khang Gia, mới đây UBND quận Tân Phú kiến nghị UBND thành phố giao Sở Xây dựng cưỡng chế chủ đầu tư chung cư Khang Gia Tân Hương để bàn giao phí bảo trì theo quy định.
Tương tự, phí bảo trì cũng là vấn đề tranh chấp giữa BQT chung cư Trương Đình Hội (phường 16, quận 8) và chủ đầu tư là Công CP Lê Minh M.C. Tháng 5/2019, chủ đầu tư báo tổng kinh phí bảo trì của chung cư là 4,129 tỷ đồng, đã bàn giao cho BQT gần 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên theo báo cáo của BQT chung cư Trương Đình Hội, tổng phí bảo trì tại chung cư này phải là 4,242 tỷ đồng.
Với hành vi bàn giao không đầy đủ phí bảo trì cho BQT chung cư Trương Đình Hội, tháng 12/2019 Công ty Lê Minh M.C bị UBND TP.HCM xử phạt 125 triệu đồng, buộc bàn giao toàn bộ phí bảo trì còn thiếu cho BQT chung cư này.
Liên quan đến việc bàn giao phí bảo trì nhà chung cư, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, việc cưỡng chế rất khó khăn, bởi nhiều chủ đầu tư không hợp tác, không còn tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc có trường hợp doanh nghiệp ngưng hoạt động, bỏ trốn.
Trong năm 2018, Sở Xây dựng TP.HCM nhận được phản ánh của 31 BQT chung cư liên quan đến việc chủ đầu tư không bàn giao, bàn giao không đầy đủ phí bảo trì phần sở hữu chung.
Sở đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành quyết định xử phạt đối với 6 chủ đầu tư các chung cư như: Chung cư New Town (quận Thủ Đức), New Sài Gòn (huyện Nhà Bè), Hưng Ngân (quận 12), Hoàng Anh River View (quận 2), Trung Đông Plaza (quận Tân Phú) và Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè).
Tình đến nay, UBND TP.HCM đã xử phạt nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM liên quan đến việc không bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì nhà chung cư. Tuy vậy, vẫn chưa có doanh nghiệp nào bị cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì.
Để phí bảo trì không trở thành “mồi ngon”
Luật Nhà ở năm 2014 quy định, người mua căn hộ chung cư phải nộp phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng (trước thuế VAT) tại thời điểm nhận bàn giao nhà. Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao phí bảo trì nhà chung cư cho BQT để quản lý, sử dụng.
Đại diện một doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM cho hay, ở những nhà chung cư trên 20 tầng thường quỹ bảo trì khoảng 20 tỷ đồng trở lên. Một số chung cư, phí bảo trì có thể lên đến cả trăm tỷ đồng, gấp nhiều lần vốn điều lệ của một doanh nghiệp trung bình. Tiền phí bảo trì lớn nhiều khi trở thành “miếng mồi” để các đối tượng cơ hội tìm cách len lỏi vào BQT để trục lợi. BQT cần xây dựng cơ chế sử dụng số tiền này trên tinh thần công khai, minh bạch.
Dưới góc độ người mua nhà, ông N.T.A (ngụ quận Thủ Đức) cho rằng, phương thức thu và quản lý, sử dụng phí bảo trì nhà chung cư như hiện nay có nhiều bất cập. Cụ thể như quy định cư dân phải đóng phí bảo trì 2% khi nhận nhà là không hợp lý, tạo thêm gánh nặng cho người mua nhà. Bởi tại thời điểm đóng phí bảo trì thì nhà thầu thi công vẫn còn trách nhiệm bảo hành nhà chung cư, ít nhất là 5 năm theo quy định.
“Thực tế cho thấy, việc các chủ đầu tư thu hộ tiền phí bảo trì khi bàn giao nhà đang tiềm ẩn rủi ro. Một số chủ đầu tư trục lợi từ khoản tiền này, không chịu bàn giao lại cho BQT. Do đó, để giảm gánh nặng cho người mua nhà, nên chia đều đóng phí bảo trì trong 5 năm và nộp vào tài khoản tiền gửi ngân hàng của BQT chung cư”, ông A. nêu ý kiến.
Ngoài phương án chia phí bảo trì đóng liên tục trong 5 năm cho BQT, để khoản tiền này không bị trục lợi, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM kiến nghị, có thể giao cho công ty dịch vụ công ích thu, quản lý và sử dụng nhưng phải đặt dưới sự giám sát của BQT.
“Phương án này có ưu điểm là thực hiện công tác bảo trì suốt vòng đời tuổi thọ của nhà chung cư. Bởi lẽ, sau khi đã sử dụng hết phí bảo trì, nếu không huy động được thêm phí bảo trì thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm bảo trì nhà chung cư như đang làm hiện nay”, ông Châu nói.
Đối với các chủ đầu tư “chây ỳ” bàn giao phí bảo trì chung cư, theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Giám đốc Công ty Luật DC Counsel), Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn khá chi tiết về hành vi này. Theo đó, chủ đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 100 – 150 triệu đồng nếu có hành vi “Không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định”.
Tuy vậy, luật sư Chánh cho rằng, mức phạt tiền như nói trên chưa đủ sức răn đe và chưa xét đến tổng số tiền phí bảo trì chung cư nhiều hay ít. Bởi thực tế, chung cư nhỏ thì tiền phí bảo trì chỉ vài tỷ đồng, nhưng với chung cư quy mô vài ngàn căn hộ thì số tiền này rất lớn. Nếu có chủ đầu tư chiếm dụng phí bảo trì cả trăm tỷ đồng trong thời gian dài nhưng mức phạt cao nhất chỉ 150 triệu đồng thì chỉ như “muối bỏ bể”.
Theo luật sư Chánh, nên có quy định pháp luật về cưỡng chế chủ đầu tư giao phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị theo hướng các bên có thể khởi kiện ra toà theo Luật Dân sự. Có như vậy, quyền lợi của cư dân mới được đảm bảo, tất cả trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Theo Phương Anh Linh
VietnamNet