Quá nửa số chung cư ở Hà Nội chưa bàn giao quỹ bảo trì, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra
(Dân trí) - Theo Bộ Xây dựng, vẫn còn số lượng rất lớn chung cư (254/492 chung cư thương mại, chiếm 52%; 33/82 chung cư tái định cư, chiếm 40%) chưa bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho Ban quản trị, trong đó phát sinh 39 trường hợp chung cư thương mại có tranh chấp về kinh phí bảo trì này.
Vô số chung cư chưa bàn giao quỹ bảo trì
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc kiểm tra công tác quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo Bộ này, sự chủ động vào cuộc của các cấp chính quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa cao, có nơi còn chưa thực sự quan tâm đúng mức.
Một số UBND các quận, huyện chưa thực hiện tốt việc phổ biến, hướng dẫn pháp luật; chưa quyết liệt chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn (nơi có nhà chung cư) trong việc đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức Hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị và đứng ra tổ chức hội nghị nhà chung cư khi chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư hoặc tổ chức Hội nghị nhà chung cư không thành công, dẫn đến trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn lượng lớn nhà chung cư (253 trường hợp) chưa thành lập được ban quản trị.
Một số chính quyền địa phương chưa sát sao đôn đốc các chủ đầu tư bàn giao hồ sơ, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, nhà sinh hoạt cộng đồng, quy trình bảo trì tòa nhà, công tác PCCC... của nhà chung cư cho Ban quản trị.
Việc xử lý các tranh chấp phát sinh trong quản lý nhà chung cư còn chậm, hiệu quả chưa cao do các cấp chính quyền cơ sở, các Sở, ngành chưa vào cuộc hoặc vào cuộc nhưng không đạt yêu cầu; chưa xử lý, giải quyết dứt điểm những vụ việc thuộc thẩm quyền.
Theo thống kê, đến nay trên địa bàn thành phố vẫn còn số lượng khá lớn chung cư (253/745 chung cư thương mại, chiếm 34%; 60/153 chung cư tái định cư, chiếm 29%) chưa tổ chức được Hội nghị của nhà chung cư và thành lập Ban quản trị.
Trên địa bàn thành phố vẫn còn 100/492 (chiếm 20%) chung cư thương mại, 35/82 (chiếm 43%) chung cư tái định cư chưa bàn giao được Hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị; 154/492 (chiếm 31,3%) chung cư thương mại chưa bàn giao diện tích sở hữu chung cho Ban quản trị, trong đó có 23 trường hợp (chiếm 4,7%) phát sinh tranh chấp về diện tích chung – riêng.
Vẫn còn số lượng rất lớn chung cư (254/492 chung cư thương mại, chiếm 52%; 33/82 chung cư tái định cư, chiếm 40%) chưa bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho Ban quản trị, trong đó phát sinh 39 trường hợp chung cư thương mại có tranh chấp về kinh phí bảo trì này.
Chuyển cơ quan điều tra xem xét hành vi chiếm dụng quỹ bảo trì
Trước thực trạng nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.
Trong đó cần tập trung xem xét, giải quyết đối với các chung cư đang có tranh chấp như: Hồ Gươm Plaza, Star City 81 Lê Văn Lương, Goldmark City, một số dự án của doanh nghiệp tư nhân Điện Biên, Usilk City...
Đối với một số chung cư thuộc sở hữu Nhà nước mà không có kinh phí bảo trì hiện nay đã xuống cấp, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan có liên quan: Sở Xây dựng, Sở Tài chính… xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn để bảo trì các chung cư này.
Bộ cũng kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.
Ngoài ra, UBND TP cũng cần chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các quận, huyện khẩn trương giải quyết việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cư dân tại các dự án có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận.
Nguyễn Khánh