1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

"Lướt sóng" nhà xây sẵn trong ngõ, nhà đầu cơ "ôm bom"

Hà Phong

(Dân trí) - Không ít nhà đầu tư xác định "lướt sóng" nhà xây sẵn trong ngõ nhưng bị cuốn theo giá "ảo", giờ phải "ôm hận" vì bán cắt lỗ cũng không ai mua.

Nhà đầu tư "lướt sóng" lại "ôm bom" 

Dù có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư nhà đất, nhưng anh T.H.H. (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn không thoát cảnh "ôm bom" nhà xây sẵn trong ngõ. Đang cần bán nhanh căn nhà để thu hồi vốn nhưng nhiều tháng nay anh vẫn không bán được. 

Theo anh H., căn nhà anh đang muốn bán có diện tích 40 m2, xây 5 tầng 1 tum đang được rao bán với giá 4,2 tỷ đồng. "Giá bán căn nhà này đã thấp hơn 300 triệu đồng so với mua vào nhưng do đang cần giải quyết sớm khoản vay ngân hàng, tôi chấp nhận bán lỗ căn nhà này", anh H., nói. 

Anh H. thừa nhận, lý do khiến anh gặp khó khăn là lựa chọn thời điểm "chốt" giao dịch chuyển nhượng đúng lúc thị trường sôi động và bị cuốn theo giá "ảo". "Lúc mua mình tự tin vì có nhiều yếu tố có thể "lướt sóng" tốt, bởi vị trí căn nhà gần đường lớn, ngõ vào nhà ô tô cũng đi được. Nhưng khi thị trường trầm lắng, căn nhà khó bán được giá như mua vào và để chờ tăng giá cũng nhiều rủi ro như "ôm bom"", anh H. chia sẻ. 

Lướt sóng nhà xây sẵn trong ngõ, nhà đầu cơ ôm bom - 1

Thị trường nhà xây sẵn trong ngõ ở Hà Nội giảm nhiệt (Ảnh minh họa: Hà Phong)

Tương tự như anh H., anh D.V.N. (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang "mắc kẹt" với căn nhà trong ngõ ở quận Hoàng Mai. Căn nhà trong ngõ này được anh N. mua lại và sửa sang để bán kiếm lợi nhuận.

Theo anh N., anh mua căn nhà diện tích 30 m2, xây dựng 4 tầng, 1 tum đã qua sử dụng với giá 2,5 tỷ đồng. Sau khi mua lại, anh sửa lại thiết kế tầng 1 để tối ưu diện tích và sơn sửa lại các tầng với chi phí khoảng 400 triệu đồng.

"Dù tôi là dân xây dựng, có nhiều kinh nghiệm nhưng việc sửa chữa căn nhà này vẫn đội giá hơn dự kiến. Do đó, khi cộng cả chi phí mua và sửa, thì căn nhà này đã lên tới 2,9 tỷ đồng, tương đương gần 100 triệu đồng/m2", anh N. nói.

Mức giá rao bán căn nhà trên là 3 tỷ đồng nhưng anh N. đang không thể tìm được khách mua. Anh đã phải tính tới phương án bán cắt lỗ để thoát hàng và trả nợ vay ngân hàng sớm để tránh "ôm bom". 

Tính thanh khoản chậm

Theo đánh giá của giới chuyên gia, giá bất động sản vẫn tăng nhưng người muốn bán lại bán không được dù đã giảm giá dưới mặt bằng chung. Theo đó, ở bối cảnh này, những doanh nghiệp, doanh nhân hay nhà đầu tư đang "lướt sóng" mạnh, dùng vốn vay nhiều thì sẽ gặp khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, nhiều người đổ vào đầu tư vào một ngành thì giá tăng. Tuy nhiên, theo quy luật cung cầu khi cung tăng cao nhưng cầu không có thì buộc giảm giá. Thị trường hiện tại đã đẩy cung ảo tăng lên nhiều lần so với nhu cầu thực sự của người đang mua bất động sản. 

Còn chuyên gia Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương nhận định, có 3 vấn đề mà thị trường sẽ phải đối mặt, đó là nguồn cung ít, giá bán vẫn duy trì mức cao, tính thanh khoản chậm. Nguyên nhân thị trường kém thanh khoản bởi vì quỹ đất không còn phát triển dự án mới, các dự án bị ách tắc do pháp lý, thứ ba là nhà đầu tư đẩy lợi nhuận kỳ vọng lên quá cao. 

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, về việc giá bán thị trường sơ cấp rất cao, nhưng thanh khoản ở thị trường thứ cấp chậm lại bởi các nhóm khách hàng mua để đầu tư luôn kỳ vọng biên độ lợi nhuận cao hơn các thời điểm trước. Sau khi đã giữ bất động sản trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, việc đẩy giá thứ cấp trong thời gian tới là có nhưng tính thanh khoản lại rất thấp. Đây là điểm nghịch lý của thị trường lúc này.