"Lướt sóng" bất động sản: Ôm hận vì ăn theo "ông lớn"

Chỉ nghe phong thanh thông tin sắp có “ông lớn” làm dự án bất động sản (BĐS), các “cò” vống lên rồi đẩy giá đất vùng lân cận dự án lên cao.

Tuy nhiên, sau khi dự án "ông lớn" thi công, xây cả tường bao chặn các khu lân cận, giá đất quanh đó sụt giảm nghiêm trọng, nhà đầu tư nhỏ lẻ rơi vào tình trạng vỡ trận.

Lướt sóng bất động sản: Ôm hận vì ăn theo ông lớn - 1

Tại Dự án Kim Chung- Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội), các “cò” đua nhau thổi giá đất trong và ngoài dự án

Với thương hiệu và uy tín đã được khẳng định, những tập đoàn lớn luôn tạo sức hút rất lớn mỗi khi đầu tư dự án BĐS ở một khu vực nào đó. Thậm chí, có những dự án dù mới chỉ tồn tại trong ý tưởng, đề xuất cũng đã gây sốt và tạo nên làn sóng đầu tư ăn theo.

Cách đây 3 năm, chị Hương (Đống Đa, Hà Nội) nghe thông tin có dự án của Vingroup phát triển tại Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nên quyết định đầu tư ở gần đó. Chị Hương nghe theo lời môi giới của “cò”, xuống tiền mua mảnh đất 60m2 trong ngõ sâu sát cạnh dự án lớn ở Đại Mỗ. Lúc chị mua, giá đất đã được thổi từ 20 lên 30 triệu đồng/m2. Thế nhưng, sau khi dự án đi vào hoạt động cách đây một năm, chủ đầu tư đã xây tường bao, trồng cây chắn xung quanh khiến giá đất nơi chị mua cũng hạ nhiệt. Lô đất của chị Hương giờ giá xuống còn 20 triệu đồng/m2 nhưng bán không ai mua.

Chị Thu (Hoàng Mai, Hà Nội) bi đát hơn khi ăn theo một dự án khu Kim Chung- Di Trạch tại huyện Hoài Đức do Tổng Công ty Thương mại Xây dựng Vietracimex làm chủ đầu tư. Những tưởng “ông lớn” này làm đến nơi đến chốn nhưng 10 năm nay,chủ đầu tư bỏ hoang dự án, vì thế, chị Thu không bán được lô đất. Dự án này mới được chủ đầu tư cho khởi động trở lại những ngày gần đây. Thế nhưng, lô đất chị Thu vẫn trong tình trạng không bán được và giá chỉ bằng một nửa so với lúc mua.

Mặc dù có nhiều trường hợp “vỡ trận” khi chạy theo dự án mang danh các "ông lớn" nhưng khoảng tháng 3/2020, tại xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội), bất chấp khuyến cáo không tụ tập đông người trong mùa dịch Covid-19, hàng trăm người gồm cả môi giới và nhà đầu tư kéo về để kiếm cơ hội lướt sóng sau khi nghe thông tin một tập đoàn bất động sản lớn đề nghị xây dựng 2 khu đô thị tại đây.

Giá đất trước đó chỉ 6-9 triệu đồng/m2, thời điểm sốt "cò" đẩy lên đến 12-20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cơn sốt này cũng chỉ kéo dài không quá 10 ngày rồi nhanh chóng hạ nhiệt khi chính quyền địa phương cho biết, chưa nhận được bất cứ văn bản hay chỉ đạo nào của thành phố về việc phê duyệt xây dựng khu đô thị.

Tạo sốt ảo 

 Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, đầu tư lướt sóng theo đám đông là nguyên nhân gây ra những cơn sốt ảo, đẩy giá nhà đất tăng nhanh so với giá trị thật, làm thị trường hỗn loạn. Sau cơn sốt, không chỉ các nhà đầu tư cá nhân khốn đốn mà các doanh nghiệp chân chính cũng khó tiếp cận quỹ đất do giá đã bị đẩy lên cao. 

Đánh giá về thị trường BĐS thời gian qua, Bộ Xây dựng thừa nhận có tình trạng đầu cơ thổi giá gây sốt ảo, làm bất ổn thị trường. Theo Bộ Xây dựng, giới đầu cơ BĐS lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, những hành vi thổi giá rõ ràng xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường BĐS, xâm phạm tới lợi ích của người dân. “Đây là hành vi phạm tội, phải hình sự hóa hành vi này. Việc chỉ ra, nhận biết được hành vi nguy hiểm cho xã hội thì cần phải đưa vào Bộ luật Hình sự ngay để đảm bảo điều chỉnh các mối quan hệ bất bình thường trong xã hội. Đây là điều chúng ta nên làm ngay, làm sớm”, luật sư Tú nhấn mạnh.

Giám đốc cấp cao CBRE Nguyễn Hoài An nói: “Đầu tư các khu đất vùng ven, những thị trường mới nổi như vậy cần lưu ý tính thanh khoản. Có những nhà đầu tư “lướt sóng” kiếm lời nhưng khi thị trường đi xuống, muốn rút chân ra rất khó. Nhà đầu tư phải nắm được thông tin về khu vực đó có thể hiện thực hóa đến đâu, có nằm trong quy hoạch không, góp ý như thế nào, tài chính nhà đầu tư có đủ vững hay không, tránh tình trạng tiền mất, tật mang”.