Lùm xùm vụ tự miễn giảm tiền mặt bằng: Động thái mới từ Thế Giới Di Động
(Dân trí) - Thế Giới Di Động ra thông báo chấm dứt thuê trước hạn mặt bằng; Công ty bất động sản chi hoa hồng cao gấp 10 lần, chuyển hồ sơ sang công an... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Thế Giới Di Động ra thông báo chấm dứt thuê trước hạn mặt bằng
Chia sẻ với Dân trí, ông T.K.M. (Bình Định) cho biết vừa nhận được công văn phía Thế Giới Di Động gửi về việc chấm dứt hợp đồng thuê trước hạn.
Trong công văn, phía Thế Giới Di Động cho biết hiện nay việc kinh doanh tại địa điểm thuê mặt bằng của ông T.K.M. không hiệu quả về chi phí. Do đó, căn cứ theo điểm f khoản 1 Điều 6 của hợp đồng thuê, Thế Giới Di Động cho biết sẽ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê trước hạn 15/11, đáp ứng đủ điều kiện thông báo trước 30 ngày.
"Các khoản công nợ, tiền thuê hoặc các chi phí khác sẽ được xác định căn cứ theo hợp đồng thuê và quy định pháp luật trước ngày chấm dứt. Kính mong quý đối tác đề xuất thời gian để đại diện công ty gặp trao đổi chốt lại các vấn đề còn lại khi kết thúc hợp đồng", công văn của Thế Giới Di Động nêu rõ.
Bình luận về việc này, ông T.K.M. cho biết bản thân ông cũng muốn lấy lại mặt bằng và không cho thuê nữa trước những động thái vừa qua từ Thế Giới Di Động.
Góc nhìn khác về lùm xùm tự miễn giảm tiền mặt bằng của Thế Giới Di Động
Liên quan đến vụ việc này, có khá nhiều góc nhìn khác nhau. Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, câu chuyện Thế Giới Di Động ra công văn "ép" chủ nhà phải giảm tiền cho thuê đang có hai luồng ý kiến khen chê.
Theo đó, một số ý kiến cho rằng đây là cách quản trị tốt, làm đúng giá trị cốt lõi, bảo vệ lợi ích cổ đông, nhân viên; dịch bệnh khó khăn thì phải tìm mọi cách cắt giảm chi phí… Trong khi đó, một số ý kiến lại tỏ ra không đồng tình cách làm này, thậm chí cho rằng đây là hành vi vi phạm hợp đồng, ra lệnh, không đúng luật.
Vậy Thế Giới Di Động có hành xử sai luật không? Ông Long cho rằng, công văn họ gửi là "vô giá trị" về mặt pháp luật. "Các luật sư phân tích cũng nói vậy, cũng trấn an chủ nhà rằng hãy yên tâm đi, các công văn này chẳng có giá trị pháp lý gì", ông Long đặt vấn đề.
Công ty bất động sản chi hoa hồng cao gấp 10 lần, chuyển hồ sơ sang công an
Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo về công tác kiểm toán năm 2021 phục vụ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Đáng chú ý, vừa qua Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện có trường hợp hạch toán vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) một số khoản không hợp lý, không có căn cứ, làm giảm lớn số thuế TNDN phải nộp ngân sách.
Đó là trường hợp Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết tại Bình Thuận. Công ty này đã ký hợp đồng với 2 công ty môi giới bất động sản tại TPHCM với tỷ lệ 19,5%/giá trị bất động sản môi giới thành công, trong khi mức phí môi giới bất động sản phổ biến hiện nay trên thị trường là 1-2% giá trị bất động sản…
"Việc công ty ký các hợp đồng môi giới với mức chi phí cao bất thường (gấp khoảng 10 lần so với mức chi phí môi giới phổ biến trên địa bàn tỉnh Bình Thuận) đã làm tăng chi phí hợp lý và làm giảm thuế TNDN phải nộp rất lớn", Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Giao dịch biệt thự, liền kề tại Hà Nội "buồn" nhất trong 5 năm, giá ra sao?
Mặc dù đã có những hoạt động khá tốt trong 6 tháng đầu năm, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 và các quy định về giãn cách xã hội toàn thành phố suốt hai tháng của quý III đã ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung biệt thự và nhà liền kề tại Hà Nội.
Theo Savills, sự thận trọng của người mua trong thời kỳ đại dịch, nguồn cung mới hạn chế cùng hàng tồn kho giá cao đã khiến lượng giao dịch biệt thự liền kề sụt giảm mạnh.
Về mặt bằng giá, Savills cho biết mặc dù hầu hết các chủ đầu tư đều không thay đổi bảng giá, giá sơ cấp trung bình vẫn tăng đáng kể do không có nguồn cung mới cùng giá chào bán thấp tại các quận/huyện nằm ngoài trung tâm.
Giá sơ cấp trung bình nhà liền kề đạt 5.541 USD/m2 (127 triệu đồng), tăng 7% theo quý và 20% theo năm; giá nhà phố đạt mức 9.193 USD/m2(211 triệu đồng) tăng 13% theo quý và 38% theo năm. Song, giá sơ cấp biệt thự giảm nhẹ 1% theo quý và 2% theo năm, đạt 4.853 USD/m2 (111,6 triệu đồng).
Kiểm toán "bêu tên" địa phương chậm xử lý gần 100 dự án ôm đất bỏ hoang
Báo cáo tình hình kiểm toán ngân sách bộ, ngành, địa phương năm 2021 gửi tới Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một loạt các vấn đề tại nhiều địa phương.
Một số trường hợp cho thuê đất nhưng lại chưa có hồ sơ liên quan nên cơ quan thuế tạm thu theo giá đất từ nhiều năm trước như tỉnh Vĩnh Phúc với 7 lô đất với diện tích là 136.960 m2 tạm thu theo giá đất từ năm 2006.
Hoặc có trường hợp bị cơ quan kiểm toán chỉ ra rằng đã chậm tính và thu tiền thuê đất đối với các trường hợp đã được UBND tỉnh phê duyệt giá đất như ở tỉnh Hưng Yên với 2 đơn vị.
Về công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, Kiểm toán Nhà nước cho biết có 97 dự án đã được giao đất chậm tiến độ sử dụng nhưng đến thời điểm kiểm toán UBND tỉnh chưa ban hành quyết định xử lý (tỉnh Hưng Yên); có trường hợp tổ chức thực hiện đấu giá đất khi chưa hoàn thành GPMB (UBND thành phố Thanh Hóa).
Siêu dự án có casino ở Vân Đồn: Đề xuất tăng mức đầu tư, bỏ mục sân golf
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã lấy ý kiến 10 bộ ngành về chủ trương đầu tư khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp Vân Đồn.
Theo Tờ trình số 6075 của UBND tỉnh Quảng Ninh gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn sẽ được đổi tên thành Dự án khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp Vân Đồn.
So với dự án phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, dự án khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn vị trí dự án không thay đổi nhưng có một số thay đổi lớn khác như giảm quy mô sử dụng đất xuống còn 390,61 ha (trước đây là 445,84ha, giảm 55,23ha).
Ngoài ra dự án dự kiến tăng vốn đầu tư lên 50.365 tỷ đồng (trước đây là 46.595 tỷ đồng, tăng 3.770 tỷ đồng). Đồng thời, Quảng Ninh cũng đề xuất bổ sung hạng mục đầu tư đô thị, bỏ hạng mục đầu tư sân golf tại tổ hợp nghỉ dưỡng, giải trí casino Vân Đồn.