Lợi nhuận đi xuống, “đại gia” xây dựng HBC bỏ tham vọng vào câu lạc bộ nghìn tỷ

(Dân trí) - Tham vọng gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ năm 2018 không thành và với kế hoạch mới đặt ra cho năm 2019, HBC cũng đã tạm gác lại tham vọng về một khoản lợi nhuận khổng lồ...

Lợi nhuận đi xuống, “đại gia” xây dựng HBC bỏ tham vọng vào câu lạc bộ nghìn tỷ - 1

HBC đã trải qua một năm không mấy thuận lợi khi lợi nhuận sụt giảm.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã CK: HBC) vừa công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2019. Theo đó, “ông lớn” ngành xây dựng này đã đặt kế hoạch doanh thu là 18.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 720 tỷ đồng cho năm 2019.

Với kế hoạch trên, cả doanh thu và lợi nhuận của HBC dự kiến tăng tương ứng 1,6% và 16%. Trước đó, HBC đã trải qua một năm không mấy thuận lợi khi lợi nhuận sụt giảm.

Cụ thể năm 2018, HBC báo lãi 627 tỷ đồng giảm 28% so với năm trước đó. So với kế hoạch lãi sau thuế 1.068 tỷ đồng, Hòa Bình chỉ mới hoàn thành 60% chỉ tiêu đề ra.

Tham vọng gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ năm 2018 không thành và với kế hoạch mới đặt ra cho năm 2019, HBC cũng đã tạm gác lại tham vọng về một khoản lợi nhuận khổng lồ.

Lợi nhuận đi xuống, “đại gia” xây dựng HBC bỏ tham vọng vào câu lạc bộ nghìn tỷ - 2
HBC đã có kết quả kinh doanh khá tốt trong năm 2017 và trước đó. Tuy nhiên sự tăng trưởng này không kéo dài sang tới năm 2018.

Theo lý giải của lãnh đạo HBC, sự sụt giảm lợi nhuận trong năm 2018 là do cạnh tranh đấu thầu. Sự cạnh tranh này khiến giá đầu ra giảm, trong khi đó giá đầu vào nguyên liệu, nhân công lại tăng.

Ngoài ra, một số công trình phải tạm ngừng thi công do các yếu tố từ chủ đầu tư, chi phí bảo hiểm xã hội tăng do việc áp dụng chính sách bảo hiểm mới nên lợi nhuận gộp năm 2018 giảm so với năm trước.

HBC cũng cho biết, năm 2018 hiệu quả kinh doanh của các công ty con, công ty liên doanh liên kết giảm so với năm 2017 nên lãi trong các công ty con, công ty liên doanh liên kết giảm.

Quả thực năm 2018 là một năm không nhiều thuận lợi đối với các doanh nghiệp xây dựng. Một số công ty xây dựng hàng đầu như Coteccons cũng phải than khó.

Cái khó này được lý giải do các doanh nghiệp bất động sản gặp trục trặc khi chính sách về quản lý đất công ngày càng được thắt chặt, gây ảnh hưởng lớn đến việc cấp phép và phê duyệt dự án mới.

Bên cạnh đó chủ đầu tư còn đứng trước nhiều thách thức khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản. Vì vậy, đa số công ty xây lắp rơi vào tình trạng thiếu nguồn công việc, không thể hoàn thành sản xuất kinh doanh, cạnh tranh gay gắt...

Khoản phải thu cực lớn 

Bên cạnh việc lợi nhuận đi xuống, HBC cũng có khoản phải thu rất lớn khiến giới đầu tư quan tâm. Cụ thể, kết thúc năm 2018, tổng các khoản phải thu ngắn hạn của đại gia ngành xây dựng này lên tới 11.089 tỷ đồng, tăng 1.898 tỷ đồng so với đầu năm.

Cùng với đó là khoản nợ phải trả lên tới gần 13.000 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Tại ĐHĐCĐ 2018, ban lãnh đạo HBC cũng thừa nhận các chỉ số tài chính của HBC không đẹp, chẳng hạn nợ phải thu trên vốn, nợ vay, phải thu trên doanh thu mặc dù mặc dù về kết quả thì Tập đoàn làm ra rất hiệu quả từ đồng vốn ít ỏi.

Sang năm 2019, HBC đưa ra một loạt các kế hoạch mới, trong đó có cả việc tăng thêm nhân sự cấp cao, đồng thời đẩy mạnh đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, tại kỳ họp ĐHĐCĐ năm nay, HBC sẽ bầu Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ mới 2019 – 2024 với 8 thành viên, tăng thêm 2 thành viên so với nhiệm kỳ trước, trong đó có 3 thành viên độc lập (2 đang còn nhiệm kỳ và 1 sẽ bầu mới).

Trong đó, ông Đặng Hồng Anh, con trai doanh nhân Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TTC Land sẽ ứng cử thành viên Hội đồng Quản trị độc lập.

Ngoài ra, với hơn 12,5% vốn tại HBC sau khi mua thành công, Huyndai sẽ cử 1 đại diện tham gia Hội đồng Quản trị là ông Parl Seok Bae.

HBC cũng cho biết sẽ trình đại hội đồng cổ đông hướng chiến lược phát triển ra thị trường nước ngoài, trong đó tổng giá trị các khoản đầu tư ra nước ngoài tối đa 10% vốn chủ sở hữu tại thời điểm đầu tư và thông qua chủ trương thành lập Học viện Hòa Bình.

Nguyễn Mạnh