Lo sốt đất tạo bong bóng bất động sản, các tỉnh tăng kiểm soát
(Dân trí) - Trước thực trạng đất nền có hiện tượng "sốt" giá, nhiều địa phương đã liên tục chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai biện pháp kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản.
Kiểm soát nguy cơ "bong bóng" bất động sản
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị ra văn bản yêu cầu các sở, ngành và chính quyền địa phương đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản và tăng cường quản lý thị trường bất động sản.
Tại văn bản này, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ các quy định về kinh doanh bất động sản. Ở những khu vực dự kiến thực hiện các dự án như khu dân cư, khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, vùng nông thôn đã xuất hiện hoạt động "đầu cơ" bất động sản gây "sốt ảo", có hiện tượng "thổi giá" làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường.
Cùng với đó, thị trường có dấu hiệu nhà đầu tư tổ chức huy động vốn chuyển nhượng chưa đúng quy định của pháp luật, thổi phồng để quảng cáo rao bán khi chưa đầy đủ quy trình… gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản và khó khăn cho việc quản lý Nhà nước.
Để chấn chỉnh thực trạng trên, UBND tỉnh này yêu cầu Sở Xây dựng tỉnh tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa dự án bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Kiểm tra chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản, bảo đảm tuân thủ đúng quy định…; Kịp thời phát hiện ngăn chặn hiện tượng "đầu cơ" bất động sản, không để xảy ra tình trạng "sốt" giá và "bong bóng"; xử lý nghiêm vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, UBND đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với đơn vị liên quan xử lý chấn chỉnh các hành vi vi phạm, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp bất động sản đúng quy định của pháp luật… Tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường, kiểm soát giao dịch ảo, "thổi" giá bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Trị rà soát việc cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất, đầu tư dự án bất động sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Tương tự, UBND tỉnh Ninh Bình đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về đất đai, công tác quản lý đất đai, quản lý giá, siết chặt các biện pháp thu thuế chuyển quyền sử dụng đất. Trên cơ sở đó phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, nếu có dấu hiệu hình sự phải chuyển cho cơ quan Công an điều tra theo thẩm quyền.
Trước đó, để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, tránh để xảy ra tình trạng "bong bóng" bất động sản trên địa bàn, UBND TP Hà Nội cũng có chỉ đạo các sở ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ công tác đấu giá đất; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát việc cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất, đầu tư các dự án bất động sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng.
Triệt tiêu ý chí đầu cơ
Theo đánh giá của không ít chuyên gia bất động sản, việc rà soát và quản lý chặt nguồn vốn đổ vào thị trường bất động sản. Đặc biệt là việc vay tiền tham gia đấu giá đất được đánh giá là giải pháp căn cơ giúp chặn tình trạng giá đất sốt nóng theo sau các đòn bẩy tài chính.
Tuy nhiên, về lâu dài, để ngăn chặn tình trạng sốt đất, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - đề xuất đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí "đầu cơ" của nhà đầu tư "lướt sóng" trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị "đầu cơ", "sốt nóng" và "bong bóng".
Đồng thời, đơn vị này đề xuất xem xét, quy định mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ 2, thứ 3. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 3 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường.
Đặc biệt, với người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu.
Người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí "găm giữ" đất, chống đầu cơ đất đai. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ thì có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.