Lộ diện 4 nơi có giá nhà đất tăng cao, tăng đều nhất so với cả nước

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai là những địa phương có mức giá bình quân tăng khá cao và tăng đều so với mặt bằng chung cả nước trong nửa đầu năm nay.

Lộ diện 4 nơi có giá nhà đất tăng cao, tăng đều nhất so với cả nước - 1

Bộ Xây dựng cho biết giá nhà ở riêng lẻ tại các dự án ở nhiều địa phương tiếp tục có xu hướng tăng so với quý trước.

Trong báo cáo về tình hình thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Xây dựng cho biết giá căn hộ chung cư tại các địa phương vẫn có xu hướng tăng nhẹ theo tháng. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TPHCM đều tăng do khan hiếm nguồn cung, khan hiếm dự án mới được mở bán.

Theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, giá căn hộ chung cư bình quân trong quý II tăng khoảng 2% so với quý I năm nay. Một số dự án có mức giá tăng cao hơn so với bình quân đạt khoảng 4-7%.

Ngoài phân khúc căn hộ, Bộ Xây dựng cũng cho biết giá nhà ở riêng lẻ tại các dự án thuộc nhiều địa phương tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước.

Trong đó, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai là những địa phương có mức giá bình quân tăng khá cao và tăng đều so với mặt bằng chung cả nước trong nửa đầu năm nay.

Theo ghi nhận của Bộ này, mức giá bình quân tại các địa phương tăng khoảng 3% so với quý I năm nay. Cá biệt một số dự án có mức biến động giá cao hơn bình quân, đạt khoảng 5-9%.

Trước đó, một số báo cáo của các tổ chức nghiên cứu bất động sản cũng cho thấy giá nhà liền thổ tại một số địa phương tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua.

Theo thống kê mới nhất của JLL, trong quý II, giá bán sơ cấp trung bình của nhà liền thổ thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận đạt khoảng 113,7 triệu đồng/m2. Toàn miền Bắc ghi nhận giá nhà liền thổ tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng trung bình khoảng 28,2% theo năm và 15,5% theo quý.

Đáng lưu ý theo JLL, ở Hà Nội, mức tăng giá cao nhất được ghi nhận ở huyện Hoài Đức, lên đến 42,8% theo năm do sự gia nhập của một dự án mới có mức giá cao hơn mức trung bình toàn huyện.

Bà Dung - chủ một căn nhà liền kề có diện tích hơn 80 m2 tại khu A khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn - cho PV Dân trí biết đã từng mua căn nhà này với giá 3,6 tỷ đồng (căn thô) cuối năm 2018. Đến đầu năm nay, có người trả bà Dung khoảng gần 9 tỷ đồng (nhà đã hoàn thiện cơ bản) nhưng bà không bán.

Thực tế, theo khảo sát của PV, một số khu đô thị tại phía Tây Hà Nội có mức giá tăng vọt, trung bình cũng khoảng 20 - 30%/năm. Như ở khu Geleximco, trên thị trường thứ cấp ghi nhận mức giá tăng gấp gần 2,5 lần sau 3 năm.

Giá nhà tăng mạnh cũng khiến thị trường trở nên khó khăn hơn trong việc hấp thụ, theo đánh giá của nhiều chuyên gia.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho biết, nguồn tiền thực tế vào thị trường bất động sản rất lớn, nguồn hàng lại khan hiếm là nguyên nhân chính giá bất động sản bị đẩy mạnh, tạo các cơn sốt trong tháng 2, tháng 3 vừa qua.

"Trên thực tế tại thời điểm sốt đất, nhiều dự án đã đưa ra mức giá còn cao hơn giá thị trường về mặt nguyên lý, đã tạo ra một điểm giá nằm ở khu vực không thể gặp bất kì một loại cầu nào (bởi mọi đường cầu đều nằm dưới điểm đó). Điều này lý giải tại sao tổng cầu trên thị trường cao mà tỷ lệ hấp thụ đang ở ngưỡng rất thấp" - lãnh đạo Hội môi giới lý giải.

Ông Đính cho rằng, cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình sửa đổi quy định pháp luật để cải thiện nguồn cung cho thị trường bất động sản, đồng thời kiểm soát lạm phát, tăng giá mạnh các yếu tố đầu vào của bất động sản.