1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Lộ chiêu thức làm dự án "ma", biệt thự gắn tên sang chảnh bán nhiều tỷ đồng

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Bóc mẽ chiêu trò gom đất nông thôn làm "dự án ma" nghỉ dưỡng ở Hòa Bình; Mối nguy "quýt làm cam chịu" từ việc phân lô bán nền tràn lan ở ven đô... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Bóc mẽ chiêu trò gom đất nông thôn làm "dự án ma" nghỉ dưỡng ở Hòa Bình

Theo khảo sát của PV Dân trí, hiện nhiều "dự án ma" ở Hòa Bình đang tồn tại như một quần thể về nghỉ dưỡng quy mô lớn. Vị trí các dự án này nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc.

Đa số những "dự án ma" này có nguồn gốc là các khu đất ở vùng nông thôn được một số cá nhân mua gom. Sau đó, chủ đất lợi dụng các quy định pháp luật thiếu chặt chẽ để tách thửa, xây dựng thành "chuỗi" biệt thự nghỉ dưỡng.

Các căn biệt thự nghỉ dưỡng được rao bán ra thị trường lại được gắn mác tên dự án hoành tráng. Khi người mua chi vài tỷ đồng sở hữu một căn biệt thự "dự án ma" này thì họ có quyền ở hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư khai thác nghỉ dưỡng.

Điển hình, trong năm 2020, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cũng tổ chức kiểm tra và khẳng định trên địa bàn xã Mông Hóa không có dự án nào tên là Ohara Villas & Resort được phép triển khai thực hiện. Do đó, việc một số website quảng bá giới thiệu dự án Ohara Villas & Resort tại xóm Gò Bùi, xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình là không đúng sự thật.  

Không chỉ gắn mác dự án sang chảnh, quá trình xây dựng các "dự án ma" còn tồn tại những vi phạm trong quá trình xây dựng. Cụ thể, 2 cá nhân đã tự mua đất ở, đất trồng cây lâu năm, đất vườn… tại thôn Đồng Sầm, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn và tự đặt tên là dự án xây dựng khu biệt thự sinh thái Green Oasis Villas để thu hút nhà đầu tư.

Lộ chiêu thức làm dự án ma, biệt thự gắn tên sang chảnh bán nhiều tỷ đồng - 1

Cận cảnh "dự án ma" Ohara Villas & Resot tại xã Mông Hóa, TP Hòa Bình (Ảnh: Quân Đỗ).

Mối nguy "quýt làm cam chịu" từ việc phân lô bán nền tràn lan ở ven đô

Như Dân trí đã phản ánh tình trạng phân lô bán nền tràn lan đã xuất hiện ở nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội. Cụ thể là việc các cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ tự mua gom đất vườn, đất trồng cây lâu năm rồi xin chuyển đổi sang đất ở nhưng lại phân lô bán nền. 

Đáng chú ý, giới đầu cơ tham gia thị trường này khá tấp nập nhưng theo tìm hiểu thì rất ít người mua để ở. Thực trạng đó đã dẫn đến tình trạng "sốt ảo", thổi giá, nhiễu loạn thị trường. Thậm chí, xa xôi hơn, đó còn là câu chuyện lãng phí tài nguyên và lâu dài sẽ gây ra những hệ lụy mà cả Nhà nước và người dân phải gánh chịu. 

Anh Trần Quang Khải - một nhà đầu tư bất động sản lâu năm ở Hà Nội - chia sẻ, thị trường đất nền ven đô khá hấp dẫn nhưng lại đang bị méo mó bởi các loại hình phân lô bán nền. Nhà đầu tư này cho hay, bản chất, đất ven đô hút nhà đầu tư bởi có thể đáp ứng được nhu cầu về không gian sống xanh, có diện tích sân vườn rộng. Do vậy, đất phân lô khoảng 60 m2 đến 100 m2 ở vùng ven đa phần chỉ phục vụ mục đích đầu cơ của người mua. Điều này dẫn tới câu chuyện người ta mua rồi bỏ đó, chờ được giá thì đẩy đi, ít ai sử dụng. 

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, những sản phẩm từ tình trạng phân lô bán nền tràn lan chính là nguồn cơn đẩy giá, tăng giá tạo ra "sốt đất". Các sản phẩm này mang đến nhiều hệ lụy trong quản lý và nhất là quản lý về tính ổn định, bền vững của thị trường. 

Lộ chiêu thức làm dự án ma, biệt thự gắn tên sang chảnh bán nhiều tỷ đồng - 2

Hàng loạt lô đất bỏ hoang sau tách thửa ở thôn Sen Trì, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất (Ảnh: Trần Kháng).

Đại gia Hà Nội "săn" biệt thự, liền kề, phát hoảng vì giá tăng phi mã

Dịp trước Tết Nguyên đán 2022, chị Miên - một nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội vẫn tranh thủ tìm kiếm cơ hội sở hữu một căn liền kề ở khu vực phía Tây thành phố. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm của chị thất bại vì giá cả ở một số khu vực chị đang có nhu cầu mua như Hoài Đức hay Gia Lâm đều đã tăng mạnh so với thời điểm cuối năm ngoài.

"Có chỗ giá tăng tới cả vài tỷ đồng mỗi căn, thực sự choáng váng", chị Miên kể. Theo nhà đầu tư này, việc tìm kiếm đành tạm gác lại vì giá cả đã ở mức quá cao, tốc độ tăng quá nhanh và biên độ tăng lớn.

Thực tế, ngay dịp sát Tết, nhu cầu tìm mua phân khúc này rất lớn dù mức tăng của phân khúc này vừa qua đã rất cao. Tuy nhiên, lượng giao dịch qua tìm hiểu không lớn vì thực tế khi thị trường bị đẩy giá, nhiều nhà đầu tư cũng "chùn tay", sợ cảnh mua "đỉnh" bán "đáy" trong đầu cơ.

Theo dữ liệu vừa công bố của Batdongsan.com.vn, tháng 1/2022 là tháng cận Tết, nhiều người nghỉ Tết sớm, một số phân khúc bất động sản "hạ nhiệt" nhưng loại hình biệt thự, liền kề tại Hà Nội và TPHCM vẫn có mức độ quan tâm tăng đáng kể, lần lượt là 29% và 30%, tập trung ở các khu vực như: Long Biên, Gia Lâm… (Hà Nội); Quận 7, nhà Bè… (TPHCM).

Lộ chiêu thức làm dự án ma, biệt thự gắn tên sang chảnh bán nhiều tỷ đồng - 3

Không riêng gì 2 thành phố lớn, nhiều tỉnh thành khác trên cả nước cũng ghi nhận mức quan tâm tăng mạnh đối với phân khúc này.

Tồn kho chủ yếu là căn hộ cao cấp, phân khúc du lịch nghỉ dưỡng

Theo Bộ Xây dựng, tổng hợp đến cuối năm 2021, số lượng nhà ở đưa ra giao dịch trên thị trường nhưng còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2021 ước tính là khoảng 2.286 căn hộ. Như vậy lượng tồn kho bất động sản năm 2021 theo thống kê đã giảm hơn nhiều so với năm 2020 (năm 2020 khoảng 9.000 căn).

Bộ Xây dựng lý giải, lượng tồn kho bất động sản năm 2021 giảm so với năm 2020 một phần do nguồn cung hầu hết các phân khúc bất động sản mới của thị trường đều hạn chế. Nhìn chung, các phân khúc như căn hộ bình dân, căn hộ trung cấp, nhà ở riêng lẻ và đặc biệt là đất nền đều được hấp thụ tốt và tính thanh khoản cao, hầu như không phát sinh tồn kho.

"Lượng tồn kho bất động sản chủ yếu tập trung vào phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi", Bộ Xây dựng cho biết.

Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, cả nước có 52 dự án dự án du lịch nghỉ dưỡng với 13.554 căn hộ du lịch, 2.280 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép, số lượng dự án bằng khoảng 35,4% so với năm 2020; 19 dự án với 165 căn hộ du lịch đã hoàn thành xây dựng.

Giá thép tiếp tục tăng, nhà thầu xây dựng lại lo sốt vó

Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội cho biết từ sau Tết, giá thép lại "nóng". Vị này cho biết nhiều công ty thép đã điều chỉnh giá thép lên 300.000 đồng/tấn từ giữa tháng 2.

"Phía đại lý thông báo có khả năng cuối tuần này sẽ có thêm một điều chỉnh tăng mới", vị này lo ngại việc giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao sẽ tác động không nhỏ tới ngành xây dựng.

Lộ chiêu thức làm dự án ma, biệt thự gắn tên sang chảnh bán nhiều tỷ đồng - 4

2022 sẽ là một năm triển vọng của ngành thép khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu xây dựng hồi phục mạnh trở lại khiến mức tiêu thụ sản phẩm này tiếp tục tăng nhiều hơn (Ảnh: N.M).

Theo thông báo từ Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, thép cây và thép cuộn xây dựng đều tăng lên 300.000 đồng/tấn từ ngày 12/2. Tương tự, giá thép Tisco cũng được điều chỉnh tăng trong khoảng thời gian này. Bảng giá cập nhật mới nhất của Tisco cho thấy các loại thép đã vượt mốc 17,3 triệu đồng/tấn, có loại hơn 17,6 triệu đồng/tấn (giá chưa bao gồm VAT).

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, 2022 sẽ là một năm triển vọng của ngành thép khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu xây dựng hồi phục mạnh trở lại sẽ khiến mức tiêu thụ sản phẩm này tiếp tục tăng mạnh hơn.

Ngược với diễn biến tích cực với ngành thép khi giá tăng, nhiều nhà thầu xây dựng đứng ngồi không yên khi giá cả mặt hàng này tiếp tục "nóng". Đây cũng chính là một trong những tác động rất lớn tới sự khó khăn của ngành năm 2021.