Bóc mẽ chiêu trò gom đất nông thôn làm "dự án ma" nghỉ dưỡng ở Hòa Bình

Quân Đỗ Hà Phong

(Dân trí) - Một số cá nhân đi mua gom đất ở nông thôn, sau đó ủy quyền cho doanh nghiệp xây dựng và khi rao bán "cò đất" lại gắn theo tên dự án không có thật để "làm giá". Việc xử lý các dự án này gặp khó khăn.

Dự án "ma" tồn tại quy mô lớn 

Thời gian qua, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã nhiều lần đăng tải danh sách 8 dự án bất động sản không có trên địa bàn, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ pháp lý, không đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản ("dự án ma") trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tại huyện Lương Sơn có 4 dự án gồm: Green Oasis Hòa Bình, Beverly Hill, Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp, Mountain Villa. TP Hòa Bình có 3 dự án: Kai Village Resort, Ohara Villas & Resort, The Moon Village. "Dự án ma" thứ 8 là Sun Legend Villa - Đà Bắc Ecolodge tại huyện Đà Bắc. 

Đáng chú ý, theo khảo sát của PV Dân trí, hiện nhiều "dự án ma" nêu trên đang tồn tại như một quần thể về nghỉ dưỡng quy mô lớn. Vị trí các dự án này nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc.

Dù được cơ quan chức năng chỉ rõ là dự án không có trên địa bàn, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ pháp lý, không đủ điều kiện huy đông vốn và kinh doanh bất động sản, nhưng từ đầu chợ Lương Sơn, hàng loạt các biển báo chỉ dẫn đến "dự án Beverly Hill" được gắn ven đường. Điểm cuối để dẫn tới dự án này là một ngõ nhỏ trong khu dân cư xóm Gừa, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn.

Tuy nhiên, bên trong khu đất của Beverly Hill là hàng loạt căn biệt thự được xây dựng san sát nhau theo kiến trúc hiện đại. Ngoài ra, hạ tầng giao thông, tiện ích như bể bơi, nhà hàng được đầu tư xây dựng bài bản, đồng bộ.

Bóc mẽ chiêu trò gom đất nông thôn làm dự án ma nghỉ dưỡng ở Hòa Bình - 1

Hàng loạt biệt thự sang trọng "mọc" trong "dự án ma" Beverly Hill tại xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình (Ảnh: Quân Đỗ).

Người dân ở gần đây cho biết, nguồn gốc đất trước kia của khu đất dự án này là của các hộ dân được Nhà nước giao cho trồng keo và bạch đàn, có thời hạn sử dụng 50 năm. Tuy nhiên, sau đó một người mua gom lại và triển khai xây dựng rầm rộ từ 5-6 năm nay.

"Khách về đây nghỉ dưỡng cũng rất đông. Có hôm nửa đêm vẫn còn ồn ào, tôi đã phải nhắc nhở", một người dân bức xúc và cũng bày tỏ lo lắng về vấn đề an toàn khi các căn biệt thự được xây trên lưng chừng đồi.

Cũng ở huyện Lương Sơn, dự án Green Oasis Hòa Bình có vị trí đắc địa, gần đường lớn của xã Nhuận Trạch. Bên trong "dự án ma" này đang tồn tại hàng chục căn biệt thự xây dựng dở dang ngay đầu cổng vào. Một số căn biệt thự khách đã hoàn thiện và đang được đưa vào sử dụng.

Tương tự, 2 dự án Ohara Villas & Resot và Kai Village Resort tại xã Mông Hóa, TP Hòa Bình cũng đang tồn tại như một quần thể du lịch nghỉ dưỡng quy mô "khủng". Dù nằm sâu trong khu dân cư, nhưng trong dự án đã tồn tại hàng chục căn biệt thự xây dựng hiện đại, đồng bộ về tiện ích cảnh quan.

Bóc mẽ chiêu trò gom đất nông thôn làm dự án ma nghỉ dưỡng ở Hòa Bình - 2

Cận cảnh "dự án ma" Ohara Villas & Resot tại xã Mông Hóa, TP Hòa Bình (Ảnh: Quân Đỗ).

Hiện tại, dự án này đang đón người dân tới nghỉ dưỡng, lưu trú. Giá mỗi đêm nghỉ dao động 3-5 triệu đồng/căn biệt thự.  

Tự vẽ dự án

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, đa số những "dự án ma" này có nguồn gốc là các khu đất ở vùng nông thôn được một số cá nhân mua gom. Sau đó, chủ đất lợi dụng các quy định pháp luật thiếu chặt chẽ để tách thửa, xây dựng thành "chuỗi" biệt thự nghỉ dưỡng.

Các căn biệt thự nghỉ dưỡng được rao bán ra thị trường lại được gắn mác tên dự án hoành tráng. Khi người mua chi cả vài tỷ đồng sở hữu một căn biệt thự "dự án ma" này thì họ có quyền ở hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư khai thác nghỉ dưỡng.

Điển hình, trong năm 2020, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cũng tổ chức kiểm tra và khẳng định trên địa bàn xã Mông Hóa không có dự án nào tên là Ohara Villas & Resort được phép triển khai thực hiện. Do đó, việc một số website quảng bá giới thiệu dự án Ohara Villas & Resort tại xóm Gò Bùi, xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình là không đúng sự thật.  

Tại thời điểm kiểm tra trên, hiện trạng khu đất có 37 ngôi nhà xây 1 tầng, diện tích mỗi ngôi nhà khoảng 50 m2, được xây dựng bằng bê tông, cốt thép, trong đó có 8 căn nhà đã hoàn thiện, 29 nhà đang xây dựng.

Bóc mẽ chiêu trò gom đất nông thôn làm dự án ma nghỉ dưỡng ở Hòa Bình - 3

Một góc "dự án ma" Ohara Villas & Resot tại xã Mông Hóa, TP Hòa Bình (Ảnh: Quân Đỗ)

Các công trình được xây dựng trên đất của các hộ gia đình và cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Công ty cổ phần Đầu tư nghỉ dưỡng Việt Nhật thiết kế, xây dựng và vận hành theo sự ủy quyền của các hộ dân có đất. Khu vực này gồm có đất ở nông thôn và đất trồng cây lâu năm.

Không chỉ gắn mác dự án sang chảnh, quá trình xây dựng các "dự án ma" còn tồn tại những vi phạm trong quá trình xây dựng. Cụ thể, 2 cá nhân đã tự mua đất ở, đất trồng cây lâu năm, đất vườn… tại thôn Đồng Sầm, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn và tự đặt tên là dự án xây dựng khu biệt thự sinh thái Green Oasis Villas để thu hút nhà đầu tư.

Năm 2020, UBND huyện Lương Sơn đã kiểm tra và chỉ rõ nhiều sai phạm tại "dự án ma" Green Oasis Villas. Cụ thể, chủ đất đã tự ý xây nhà ở trên đất trồng cây lâu năm khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng.

Bóc mẽ chiêu trò gom đất nông thôn làm dự án ma nghỉ dưỡng ở Hòa Bình - 4

Hàng loạt công trình xây dựng sai phạm tại "dự án ma" Green Oasis Villas (Ảnh: Quân Đỗ).

Trao đổi với Dân trí ngày 17/2, ông Đoàn Tiến Lập, Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất bất động sản (Sở Xây dựng Hòa Bình), xác nhận, từ năm 2017, Sở này đã công khai các dự án trên địa bàn, đồng thời cảnh báo người dân về các dự án không có thật để tránh rủi ro.

"Với chức năng được phân cấp, trước mắt, Sở Xây dựng sẽ cảnh báo những dự án không có. Mục tiêu là để người dân nắm bắt được thông tin và các cơ quan chức năng giám sát, xử lý nếu có vi phạm", ông Lập nói.  

Đại diện Sở Xây dựng Hòa Bình cũng cho biết, những dự án này bản chất là khu đất nông thôn có sổ đỏ được cá nhân mua lại, sau đó ủy quyền cho doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh mà không đăng ký dự án theo quy định pháp luật. Đến khi được rao bán, "cò đất" tự gắn mác là dự án bất động sản nghỉ dưỡng hoành tráng. 

"Đất có sổ đỏ ở nông thôn, chưa có quy hoạch thì người dân tự xây dựng mà không phải xin cấp phép. Do đó, người ta không cần phải xin thủ tục qua Sở Xây dựng, thẩm quyền quản lý không qua Sở, mà chỉ chịu sự quản lý của địa phương".

Nói về khó khăn ngăn chặn các "dự án ma", ông Lập cho rằng không thể cấm người dân ở nông thôn chỉ được xây một nhà, và quy định của luật lại không cấm việc ủy quyền, mua bán.

Do đó, theo vị đại diện Sở Xây dựng, để ngăn chặn được việc này, pháp luật cần cho phép đánh thuế căn nhà thứ hai là 50% hay 20%. Khi chịu thuế này, những chủ đất xây nhiều nhà cũng không còn nhiều lợi nhuận. Quan trọng hơn nữa, công tác lập quy hoạch cũng cần phải nhanh phủ kín để kiểm soát và thực hiện đồng bộ. 

Trao đổi vấn đề trên, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư trong việc tránh xa các "dự án ma".

"Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật cũng như chỉ tìm hiểu các thông tin về dự án bất động sản trên các kênh chính thống hoặc có thể liên hệ trực tiếp tới Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng các địa phương để có được thông tin chính xác nhất", PGS.TS. Doãn Hồng Nhung chia sẻ.