Lễ hội thu hoạch độc đáo tại “nơi thần linh tụ họp” ở Nhật Bản
(Dân trí) - Mỗi năm vào ngày 3/11, người dân Tsunozu, tỉnh Shimane (Nhật Bản) lại nô nức đón chào lễ hội thu hoạch được tổ chức tại đền Otoshi.
Tháng 10 âm lịch Nhật Bản được gọi là tháng vô thần vì vào thời gian này, các vị thần đều tới Izumo, tỉnh Shimane tụ họp. Nơi đây được gọi là chốn thần linh tụ họp. Sau những màn trình diễn điệu nhảy truyền thống kagura diễn ra suốt đêm hôm trước, vào sáng ngày 3/11, lễ tế được tổ chức tại đền Otoshi cùng với đám rước những chiếc kiệu di động mikoshi trên khắp đường phố. Ảnh: Japanallover
Nghi thức rước kiệu mikoshi nghĩa là mang linh hồn của vị thần ra khỏi ngôi đền, rước đi diễu hành trên các con phố trong âm nhạc rộn rã, những điệu nhảy truyền thống và tiếng reo hò vang dội của người dân. Những chiếc kiệu này có nhiều kích cỡ và hình thức trang trí khác nhau, đa số thường khá nặng và cần đội ngũ phu khuân kiệu gồm nhiều nam giới khỏe mạnh để rước kiệu trên vai đi diễu hành qua các con phố. Ảnh: Japanallover
Trẻ em tham gia lễ hội cũng có chiếc kiệu mikoshi nhỏ hơn, nhẹ hơn của riêng mình. Ảnh: Japanallover
Đám rước kiệu mikoshi trong lễ hội thu hoạch đền Otoshi dẫn đầu bởi tengu. Tengu là một trong những yêu quái nổi tiếng nhất Nhật Bản, chúng thường sống ở các vùng rừng núi, được cho là cầu nối giữa con người với thế giới thần linh. Ảnh: Japanallover
Theo sau tengu trong đám rước là Shi-shi, một người trong trang phục sư tử. Ảnh: Japanallover
Tiếp theo trong đoàn rước là những tay trống taiko ngồi trên chiếc xe đặc biệt của mình. Trong các lễ hội Nhật Bản ngày nay, các tay trống taiko thường đeo dây an toàn khi ngồi trên xe. Ảnh: Japanallover
Theo sau trong đoàn rước là những vị quan lễ tế và những người trợ giúp cho lễ tế. Ảnh: Japanallover
Đám rước còn có sự xuất hiện của ba thiếu nữ chưa chồng, được gọi là miko. Những thiếu nữ này thường là các học sinh trung học, có nhiệm vụ biểu diễn những điệu múa cổ truyền Nhật Bản trong lễ tế tại ngôi đền trước khi đám rước khởi hành. Ảnh: Japanallover