Lần đầu lỗ, Coteccons đổ trăm tỷ đồng để làm chủ nợ của Novaland, Vinpearl

Việt Đức

(Dân trí) - Hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh cùng những hậu quả của giai đoạn dài xáo trộn thượng tầng, Coteccons vừa chi hàng trăm tỷ đồng để đầu tư trái phiếu kiếm lời.

Cột mốc buồn

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons, mã chứng khoán: CTD) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với kết quả đáng buồn khi lần đầu báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. 

Trong quý vừa qua, doanh thu của Coteccons đạt 1.070 tỷ đồng, giảm đến 60% so với cùng kỳ 2020. Với doanh thu thấp nhất trong 8 năm qua, lợi nhuận gộp của Coteccons chỉ vỏn vẹn 17 tỷ đồng, tương đương 1/10 so với quý III năm trước.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính gặp khó khăn, đại gia trong ngành xây dựng Việt Nam tích cực hoạt động trên thị trường tài chính để gia tăng nguồn thu. Ngoài khoản tiền gửi ngân hàng gần 3.000 tỷ đồng mang về tiền lãi đều đặn, Coteccons còn ghi nhận 36 tỷ đồng tiền lãi từ đầu tư, cho vay. Công ty cũng lần đầu phát sinh chi phí 2 tỷ đồng đầu tư chứng khoán. 

Trên báo cáo tài chính, Coteccons hạch toán 654 tỷ đồng tiền phải thu về cho vay ngắn hạn là trái phiếu có cam kết mua lại từ các ngân hàng thương mại. Các khoản đầu tư trái phiếu này vừa mới xuất hiện trong quý vừa qua. 

Cụ thể, các khoản đầu tư trái phiếu của nhà thầu này bao gồm Công ty Cổ phần Thiết bị điện (Thibidi) - 302 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) - 155 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) - 102 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Vinpearl - 96 tỷ đồng. Việc Coteccons mạnh tay rót tiền vào trái phiếu giữa lúc lãi suất tiền gửi trên thị trường đang ở mức thấp, khoản lãi tiền gửi công ty nhận được thấp hơn cùng kỳ.

Tuy nhiên, dù đã có thêm nguồn thu từ đầu tư tài chính đồng thời tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp so với cùng kỳ, Coteccons vẫn báo lỗ sau thuế 12 tỷ đồng. 

Lần đầu lỗ, Coteccons đổ trăm tỷ đồng để làm chủ nợ của Novaland, Vinpearl - 1

Biểu đồ: Việt Đức.

Sau 9 tháng đầu năm, doanh thu của Coteccons chỉ đạt 6.189 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận ròng lũy kế của công ty chỉ đạt 88 tỷ đồng, giảm hơn 75%. So với mục tiêu lợi nhuận năm nay, Coteccons chỉ mới hoàn thành hơn 25% kế hoạch. Việc đạt chỉ tiêu trong quý cuối năm với ông trùm ngành xây dựng Việt Nam gần như bất khả thi trừ trường hợp doanh nghiệp có nguồn lợi nhuận đột biến.

Khó khăn kép

Sau khi báo lỗ, ban lãnh đạo Coteccons đã lên tiếng giãi bày với cổ đông. Doanh nghiệp cho biết quý III là thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội nghiêm ngặt, đặc biệt các công trình ở TPHCM bắt buộc phải tạm dừng thi công, thị trường bất động sản bất ổn, giá nguyên vật liệu tăng cao. 

Thêm vào đó, cộng thêm ảnh hưởng từ sự xáo trộn thượng tầng khi nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương cùng nhiều cộng sự mâu thuẫn với nhóm cổ đông lớn và rời đi, công ty gần như không ký được hợp đồng mới trong nửa cuối năm ngoái. Giá trị hợp đồng ký mới chuyển sang năm nay của Coteccons chỉ đạt 9.000 tỷ đồng, giảm tới gần 60% so với cùng kỳ, tạo ra khó khăn kép dẫn đến doanh số giảm sâu.

Về việc biên lợi nhuận gộp chỉ còn chưa đến 2%, đại diện Coteccons cho biết để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chi phí thi công rất cao. Trong khi đó, thị trường xây dựng đang cạnh tranh khốc liệt, giá nguyên vật liệu tăng cao, dẫn đến việc biên lãi gộp giảm. Theo công ty, đây là vấn đề cả thị trường xây dựng đều phải đối mặt, nhiều khả năng sẽ kéo dài đến hết năm 2022.

Dù đối diện khó khăn, lãnh đạo Coteccons cho rằng công ty cũng có những tín hiệu khả quan trong quý III khi dòng tiền kinh doanh tiếp tục được duy trì ở mức dương sau hơn 4 năm âm liên tục, nhờ nỗ lực thắt chặt quản lý dòng tiền, tập trung vào thu hồi công nợ. Công ty cũng tự đánh giá đang đầu tư linh hoạt vào các công cụ tài chính để gia tăng hiệu quả trong bối cảnh lãi suất ngân hàng giảm. 

Lần đầu lỗ, Coteccons đổ trăm tỷ đồng để làm chủ nợ của Novaland, Vinpearl - 2

Coteccons lần đầu báo lỗ sau đúng một năm ông Bolat Duisenov ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT thay thế nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương (Ảnh: CTD).

Thông tin với cổ đông, ban lãnh đạo Coteccons cho biết giá trị các hợp đồng ký mới trong 9 tháng đầu năm đạt 17.400 tỷ đồng. Đây là cơ sở để công ty kỳ vọng vào sự phục hồi doanh số thời gian tới.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu CTD vẫn tăng giá 2% lên mức 73.600 đồng/cổ phiếu trong phiên sáng 1/11 dù vừa công bố kết quả kinh doanh đáng thất vọng. Trong 3 tháng gần nhất, cổ phiếu của Coteccons đã tăng 23%, cao hơn nhiều mức tăng 12% trong cùng thời gian của VN-Index.

"Tôi không muốn và cũng không thể thuyết phục các đối tác, nhà đầu tư giữ vững niềm tin ở Coteccons chỉ bằng lời nói. Chúng tôi sẽ làm những gì chúng tôi đã nói. Tôi chỉ muốn nhắc lại rằng, những quả táo ngọt nhất được chăm sóc bằng những đôi bàn tay kiên nhẫn nhất", Chủ tịch HĐQT Coteccons Bolat Duisenov chia sẻ với Dân trí trong lần phỏng vấn gần đây vào giữa tháng 10.