Bộ Xây dựng:

Không tăng lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội

Phương Liên

(Dân trí) - Trước ý kiến tăng lợi nhuận định mức từ 10% lên 15% để hấp dẫn nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng điều này sẽ khiến giá bán nhà ở xã hội tăng lên, gây khó khăn cho người thu nhập thấp.

Chiều 30/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, phóng viên đặt vấn đề về phát triển nhà ở xã hội với Bộ Xây dựng.

Trước ý kiến cho rằng nên tăng mức lãi cho doanh nghiệp từ 10% hiện nay lên 15% khi sửa luật để hấp dẫn các nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết nếu nâng lợi nhuận cho doanh nghiệp sẽ khiến giá bán nhà ở xã hội tăng lên. Như vậy sẽ tạo gánh nặng, khó khăn hơn cho người thu nhập thấp.

"Bản thân các doanh nghiệp cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay sản xuất đầu tư đạt lợi nhuận 10% là quá tốt. Điều họ cần là cải cách thủ tục hành chính, địa phương chưa vào cuộc giải quyết nhanh trong xử lý các vấn đề liên quan quy hoạch, đất đai", ông Sinh nói.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết, theo quy định của pháp luật về nhà ở, không phân biệt chủ đầu tư nhà ở xã hội là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.

Cụ thể, pháp luật quy định rõ hình thức nhà nước làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, cũng như huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp.

"Hai hình thức đều được quy định trong pháp luật, không có hạn chế trong việc phát triển, đầu tư nhà ở xã hội", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết.

Ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng Nhà nước thực hiện quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách và thanh kiểm tra. Còn việc đầu tư sẽ do các doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân đảm nhiệm để huy động tối đa nguồn lực.

"Như tại Bình Dương, nhà ở xã hội tại địa phương này chủ yếu do Công ty Becamex thực hiện", Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin.

Không tăng lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội - 1

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh (Ảnh: VGP).

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà đầu tư các dự án nhà ở xã hội do tiếp cận tín dụng, quỹ đất còn gặp khó. Quy định hiện nay doanh nghiệp có lợi nhuận định mức 10% với toàn bộ dự án khi làm nhà ở xã hội.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, theo Thứ trưởng, trước đây việc dành quỹ đất cho phát triển, đầu tư nhà ở xã hội chủ yếu là thực hiện trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại. 

"Tới đây việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội sẽ do UBND cấp tỉnh. Như vậy sẽ dành đủ quỹ đất ở các khu vực độc lập cũng như trong các dự án nhà ở thương mại nếu như phù hợp điều kiện và quy hoạch", ông Sinh chia sẻ.

Theo ông Sinh, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn duy trì các hỗ trợ trên, và bổ sung chính sách thực chất hơn như miễn tiền sử dụng đất, thuê đất; doanh nghiệp được dành 20% quỹ đất để phát triển các khu thương mại dịch vụ; địa phương hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Chủ đầu tư cũng được vay nguồn vốn ưu đãi thông qua ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội.

Về việc tiếp cận vốn, theo ông Sinh, thời gian qua Ngân hàng nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như giảm lãi suất, giãn nợ… Riêng với nhà ở xã hội có gói 120.000 tỷ đồng để các nhà đầu tư vay với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất thương mại.

"Với các chính sách hỗ trợ, tới đây nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tốt hơn", ông Sinh nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm