Khó xử lý chủ đầu tư chiếm giữ phí bảo trì chung cư

Phí bảo trì là một trong những nguyên nhân gây ra việc tranh chấp ở các chung cư tại TPHCM, dù đến nay chưa cưỡng chế doanh nghiệp về việc chây ỳ bàn giao bảo trì. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Xây dựng đang sửa đổi quy định về phí bảo trì.

Không bàn giao vì hết tiền?

UBND quận Tân Phú đã có văn bản gửi Ban quản trị chung cư Khang Gia Tân Hương (377 Tân Hương, phường Tân Quý, quận Tân Phú) thông tin về tiến độ cưỡng chế phí bảo trì 2% của chung cư này.

Theo UBND quận Tân Phú, việc cưỡng chế bàn giao phí bảo trì 2% đối với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia thực hiện theo quyết định số 1908/QĐ-CCXP ngày 14/5/2019 của UBND TPHCM. Ngày 25/5/2020, Đội Quản lý trật tự đô thị đã có công văn 276/TTĐT gửi đến 66 ngân hàng để xác minh tài khoản của Công ty CP Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia.

Khó xử lý chủ đầu tư chiếm giữ phí bảo trì chung cư - 1

Chủ đầu tư Khang Gia Tân Phú không còn tiền trong tài khoản để trả phí bảo trì lại cho cư dân.

Theo kết quả, Công ty Khang Gia mở tài khoản tại Vietcombank chi nhánh 5 với số dư hiện tại là 3.326.516 đồng. Trong khi đó, tổng kinh phí bảo trì chủ đầu tư còn giữ của cư dân hơn 5,8 tỷ đồng. Chưa hết, theo Cục Thuế TPHCM Công ty Khang Gia hiện còn nợ Ngân sách Nhà nước tính đến ngày 23/4/2020 là 1.542.847.107 đồng nhưng Công ty Khang Gia đã khoá mã số thuế.

Do số tiền trong tài khoản của Công ty Khang Gia không đủ để đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt trên nên UBND quận Tân Phú báo cáo UBND TPHCM, Sở Xây dựng xin ý kiến chỉ đạo.

Trước đó, vào ngày 12/3/2020, UBND TPHCM chỉ đạo cho UBND quận Tân Phú tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các hạng mục xây dựng trái phép tại chung cư này và cưỡng chế thu quỹ bảo trì chung cư bằng 2% giá trị bán các phần trong chung cư để giao cho đại diện các cư dân.

Tháng 5/2019, UBND TPHCM đã có quyết định xử phạt Công ty Khang Gia về hành vi không bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư cho cư dân chung cư Khang Gia Tân Hương. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư chung cư Khang Gia Tân Hương vẫn chưa bàn giao xong phần kinh phí này. 

Người dân sinh sống tại chung cư Khang Gia Tân Hương nhận nhà ở và thành lập ban quản trị chung cư đã gần 10 năm, nhưng chủ đầu tư vẫn không chuyển giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị. Điều này khiến việc sửa chữa, bảo trì chung cư này gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, cư dân chung cư Oriental Plaza ở quận Tân Phú cũng cho biết, kể từ khi ban quản trị chung cư được thành lập vào tháng 8/2019, chủ đầu tư là Công ty Sơn Thuận mới chỉ chuyển 11 tỷ đồng theo như thư phúc đáp ban quản trị ngày 10/3/2020. Tổng kinh phí bảo trì tại chung cư Oriental Plaza khoảng 60 tỷ đồng, bao gồm gần 48 tỷ đồng cư dân nộp và hơn 11 tỷ đồng phí bảo trì phần diện tích sở hữu riêng chủ đầu tư phải nộp.

Phí bảo trì cũng là vấn đề tranh chấp giữa ban quản trị chung cư Trương Đình Hội (phường 16, quận 8) và chủ đầu tư là Công CP Lê Minh M.C. Tháng 5/2019, chủ đầu tư báo tổng kinh phí bảo trì của chung cư là 4,129 tỷ đồng, đã bàn giao cho ban quản trị gần 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên theo báo cáo của ban quản trị chung cư Trương Đình Hội, tổng phí bảo trì tại chung cư này phải là 4,242 tỷ đồng. 

Với hành vi bàn giao không đầy đủ phí bảo trì cho ban quản trị chung cư Trương Đình Hội, Công ty Lê Minh M.C đã bị UBND TPHCM xử phạt 125 triệu đồng, buộc bàn giao toàn bộ phí bảo trì còn thiếu cho ban quản trị chung cư này.

Trước đó, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND TPHCM ban hành quyết định xử phạt đối với 6 chủ đầu tư các chung cư như New Town (quận Thủ Đức), New Sài Gòn (huyện Nhà Bè), Hưng Ngân (quận 12), Hoàng Anh River View (quận 2), Trung Đông Plaza (quận Tân Phú) và Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè) vì cố tình chiếm dụng phí bảo trì 2%. Tuy nhiên, vẫn chưa có doanh nghiệp nào bị cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì.

Đề xuất cấm cửa chủ đầu tư "ôm" quỹ bảo trì 

Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

Bộ Xây dựng cho hay, quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì chủ đầu tư phải lập một tài khoản để người mua, thuê mua căn hộ nộp kinh phí 2% bảo trì nhà chung cư. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư đã tự ý sử dụng tài khoản này trước khi bàn giao cho ban quản trị. Từ đó dẫn đến khó khăn trong công tác quyết toán, thu hồi kinh phí này để bàn giao sang cho ban quản trị. Vì vậy, một số địa phương đề nghị cần quy định rõ trong Nghị định về tài khoản kinh phí bảo trì theo hướng đây phải là tài khoản “đóng”, chủ đầu tư không được sử dụng cho đến khi bàn giao sang cho ban quản trị.

Khó xử lý chủ đầu tư chiếm giữ phí bảo trì chung cư - 2

Chung cư Oriental Plaza lập ban quản trị vào tháng 8/2019, nhưng chủ đầu tư là Công ty Sơn Thuận mới chỉ chuyển 11 tỷ đồng, trong tổng kinh phí bảo trì tại chung cư này khoảng 60 tỷ đồng.


Tại dự thảo, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi quy định về kinh phí 2% bảo trì nhà chung cư. Cụ thể, người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 108 của Luật Nhà ở, khoản kinh phí này được tính trước thuế để nộp. Chủ đầu tư phải mở một tài khoản vốn chuyên dùng có kỳ hạn tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua, chủ đầu tư nộp theo quy định.

Chủ đầu tư phải ghi thống nhất tài khoản đã mở theo quy định tại Khoản 1 Điều này trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư ký với khách hàng. Người mua, thuê mua trước khi nhận bàn giao nhà ở phải nộp 2% kinh phí bảo trì theo quy định vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng này. Nếu chủ đầu tư không thu kinh phí này mà vẫn bàn giao căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư cho người mua, thuê mua thì chủ đầu tư phải nộp khoản kinh phí 2% này.

Trong khi đó, Sở Xây dựng TPHCM có văn bản gửi Bộ Xây dựng, UBND TPHCM báo cáo về tình hình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn. Theo đó, sở kiến nghị điều chỉnh quy định pháp luật về nội dung cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị theo hướng các bên khởi kiện tại tòa.

Về lâu dài, sở kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay. Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do ban quản trị chung cư thu của các chủ sở hữu căn hộ trong quá trình quản lý, sử dụng. Số thu sẽ theo tỉ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định.

Luật Nhà ở năm 2014 quy định, người mua căn hộ chung cư phải nộp phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng (trước thuế VAT) tại thời điểm nhận bàn giao nhà. Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao phí bảo trì nhà chung cư cho ban quản trị để quản lý, sử dụng.