Khan hiếm nguồn cung, cơ hội nào cho BĐS cao cấp tăng trưởng sau dịch?
(Dân trí) - Mặc dù đang khan hiếm về nguồn cung, song tỷ lệ hấp thụ của BĐS cao cấp rất cao, điều này cho thấy lực cầu của thị trường còn rất mạnh.
BĐS cao cấp khan hiếm nguồn cung
Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, nguồn cung phân khúc bất động sản cao cấp hiện nay trên thị trường đang sụt giảm nghiêm trọng.
Cụ thể, số liệu của Công ty nghiên cứu BĐS - Savills Việt Nam cho thấy, trong năm 2019, nguồn cung biệt thự và nhà liền kề tại TP.HCM giảm 31%, nguồn cung đất nền giảm 30% so với năm 2018. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ (trung và cao cấp) của TP.HCM cũng giảm 25%.
Trong khi đó, tại Hà Nội, số lượng biệt thự và nhà liền kề giảm 28%, nguồn cung căn hộ tăng nhẹ, chỉ 1% so với năm 2018.
Theo các chyên gia, có hai nguyên nhân làm giảm nguồn cung của phân khúc BĐS cao cấp, đầu tiên là do quỹ đất hạn chế, đặc biệt là tại khu vực trung tâm các thành phố lớn hiện không đủ để phát triển các dự án BĐS cao cấp.
Thứ hai là hiện nay, tại nhiều địa phương các cơ quan chức năng tại đang tiến hành tăng cường thanh - kiểm tra, rà soát lại các dự án BĐS đã và đang được cấp phép, việc phê duyệt những dự án mới rất hạn chế.
Ví dụ như, năm 2019, chỉ có 04 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với năm 2018; chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó, chỉ có 07 dự án được chấp thuận đầu tư mới; ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn, giảm 30 dự án so với năm 2018. Đặc biệt, riêng TP.HCM, không có một dự án BĐS mới nào được phê duyệt.
Bất động sản cao cấp vẫn còn rất nhiều tiềm năng
Mặc dù đang nguồn cung giảm mạnh trong năm 2019, thế nhưng tỷ lệ hấp thụ của phân khúc này rất cao, cho thấy lực cầu vẫn còn rất mạnh.
Cụ thể, theo nghiên cứu của Savills, trong năm 2019, tỷ lệ hấp thụ căn hộ hạng A tại TP.HCM xấp xỉ 80%, phân khúc biệt thự và nhà liền kề là 82%. Tương tự, tại Hà Nội, biệt thự và nhà liền kề có tỷ lệ hấp thụ lên tới 87%.
Giải thích về điều này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, hiện nay, số lượng người có thu nhập cao tại Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng, tạo ra đòn bẩy thúc đẩy phân khúc hạng sang phát triển.
“Đối với người có thu nhập cao, ngôi nhà không chỉ còn là nơi để sống, mà còn là nơi để hưởng thụ và được trải nghiệm các dịch vụ 5 sao ví dụ như trường học, bệnh viện cao cấp, khu vui chơi, bể bơi, thậm chí là sân golf,.... Vì vậy, họ sẽ tìm đến các dự án BĐS cao cấp với một lẽ đương nhiên và điều này giải thích vì sao tỷ lệ hấp thụ của các dự án BĐS cao cấp ngày càng cao”, ông Đính nói.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người nước ngoài tới Việt Nam tìm mua nhà để sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Phân khúc mà họ hướng tới chính là BĐS cao cấp, với các căn hộ hạng A hoặc biệt thự sang trọng, đắt tiền.
Đặc biệt, trong năm 2015, Luật Nhà ở mới cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã làm tăng thêm lực cầu từ thị trường.
"Phần lớn người mua BĐS cao cấp hiện nay xuất phát từ nhu cầu thật, nên ít xảy ra tình trạng đầu cơ đất, giá trị đất không bị đẩy lên quá cao và ổn định về đầu ra. Không phải ai cũng có đủ điều kiện để mua căn hộ giá tới 70 - 80 triệu đồng/ m2. Cũng chính vì kén người mua, nên nhà đầu tư nhỏ lẻ, có tâm lý “lướt sóng” ít khi tham gia phân khúc này", ông Đính khẳng định
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 sẽ khiến phân khúc BĐS cao cấp sẽ tạm thời "chững" lại: “Tất nhiên, phải chờ bao giờ dịch Covid-19 được khống chế, như vậy mới có thể đưa ra nhận định chính xác về thời điểm thị trường bùng nổ”, ông Đính nói.
Việt Vũ