Kênh đầu tư nào đang "đẻ" lãi cao nhất?

Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư thế nào để đạt hiệu quả không phải là bài toán đơn giản.

Kênh đầu tư nào đang đẻ lãi cao nhất? - 1

Cùng với chứng khoán, bất động sản được dự báo là kênh đầu tư hấp dẫn từ nay đến hết năm. Ảnh: Tạ Hải

Tiền gửi ngân hàng lãi suất thấp nên tiền đã và đang được đổ sang các kênh đầu tư có cơ hội và lợi nhuận cao hơn, trong đó có bất động sản và chứng khoán. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư thế nào để đạt hiệu quả không phải là bài toán đơn giản.

Bất động sản: Đất nền và chung cư bình dân

Đại diện Công ty CP PropertyGuru Việt Nam, chủ một sàn giao dịch bất động sản cho biết, theo dữ liệu thống kê, mức độ quan tâm của người dân cũng như lượng thông tin đăng tải về nguồn cung hàng sau Tết Nguyên đán 2021 tăng mạnh so với trước Tết, đạt mức 76%. Lượt quan tâm cũng tăng đến 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Các khu vực có lượt quan tâm tăng mạnh trải rộng từ Bắc vào Nam.

Trong đó, ở khu vực phía Bắc, mức độ quan tâm tăng cao đổ dồn vào một số địa phương như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình; khu vực miền Trung với Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam); miền Nam với Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, TP.HCM...

Ông Vũ Cương Quyết, CEO Đất Xanh miền Bắc cho hay, có rất nhiều hình thức đầu tư bất động sản, như: Mua chung cư cũ cải tạo lại để bán; Mua nhà sửa lại để cho thuê, có khách mua thì bán lại; Hình thức đầu tư đón đầu quy hoạch; Đầu tư lướt sóng.. mỗi hình thức đầu tư đều có những ưu, nhược điểm riêng. Tuy nhiên, phân khúc đất nền vẫn được giới đầu tư "săn lùng" bởi tỷ suất lợi nhuận cao.

Ông Quyết phân tích, kể từ lần ra bảng hàng đầu tiên đến khi hạ tầng cơ bản hoàn thiện (khoảng 9 tháng đến 1 năm) giá trị đất đã tăng từ 20 - 25%. Trong khi đó, phân khúc này rất dễ tiếp cận và sử dụng đòn bẩy tài chính từ các ngân hàng.

Ví dụ, một sản phẩm đất nền có diện tích khoảng 100m2, giá bán khoảng 18 triệu đồng/m2, tổng giá trị lô đất là 1,8 tỷ đồng. Nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra khoảng 30% tương ứng 540 triệu đồng, số còn lại khoảng 1,260 tỷ đồng có thể vay ngân hàng.

Với mức lãi suất như hiện nay người vay phải trả hàng tháng trên 10 triệu đồng. Nếu một gia đình thu nhập mỗi tháng bỏ ra được khoảng 15 triệu đồng hoàn toàn có thể tham gia đầu tư. Nếu không bán được ngay thì tài sản đó vẫn là của riêng mình.

Theo kinh nghiệm của ông Quyết, đầu tư ở đô thị hay tỉnh lẻ thì đất nền đều có tỷ suất sinh lời, nhưng tỷ lệ khác nhau. Ví dụ như ở Hà Nội, đầu tư 10 tỷ đồng, sau 1 năm lời 1% là 100 triệu đồng.

Trong khi đó, đầu tư ở tỉnh lẻ 1 tỷ đồng, nhưng tỷ suất sinh lời 10% thì số tiền lãi cũng là 100 triệu đồng. Như vậy, rõ ràng việc đầu tư ở tỉnh lẻ có tỷ suất và tỷ lệ sinh lời cao hơn và chi phí đầu tư nhỏ hơn. Đất nền ở Hà Nội ngày càng khan hiếm, khả năng tăng giá theo thời gian cũng vẫn tương đối tốt nhưng phải chấp nhận bỏ vốn lớn và nằm chờ "dài hơi".

Cũng theo ông Quyết, các dự án được nhà đầu tư quan tâm thường là các dự án nằm gần trung tâm đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, đồng bộ hạ tầng... bởi mục đích cuối cùng là bán cho người có nhu cầu ở thực. Diện tích được nhiều người lựa chọn là từ 80 - 100m2 đối với nhà liền kề; 150 - 200m2 đối với biệt thự.

"Tuy nhiên, tính an toàn trong đầu tư đất nền lại phụ thuộc vào năng lực chủ đầu tư và pháp lý của dự án. Để đảm bảo an toàn, nhà đầu tư chỉ nên xuống tiền đối với những dự án đã có biên bản bàn giao thực địa, chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ thuế và đáp ứng điều kiện bán bất động sản theo quy định của Nhà nước", ông Quyết lưu ý.

Đồng quan điểm, một chủ doanh nghiệp khác nhận định, đất nền đang nhận được sự quan tâm lớn nhất của khách hàng bởi xét cho cùng, đất nền có thể coi là phân khúc chủ đạo, dẫn dắt thị trường bất động sản. Mặt khác, trong hai năm qua, nguồn cung đất nền vốn đã ít lại càng khan hiếm.

Để phát triển một dự án đất nền, khu đô thị cần thời gian rất dài. Từ khi xin chủ trương đầu tư, xây dựng đến khi chủ đầu tư có thể mở bán cho khách hàng phải mất từ 3 - 5 năm, thậm chí lâu hơn. Chính sự thiếu vắng nguồn cung đã khiến giá đất nền tăng và thu hút các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, đất nền có sổ đỏ, đất nền đầy đủ pháp lý vẫn sẽ là "con gà đẻ trứng vàng" của thị trường trong năm 2021.

Ở thời điểm hiện tại, 2 phân khúc đáng để đầu tư nhất chính là căn hộ chung cư bình dân và đất nền có sổ đỏ. Tuy nhiên, nguồn cung căn hộ bình dân vẫn sẽ duy trì trạng thái khan hiếm. Do đó, đất có "sổ đỏ" sẽ hút dòng vốn rất mạnh.

Chứng khoán: Lợi nhuận cao nhưng phải có chuyên môn

Không có nhiều vốn để "đổ" vào bất động sản, anh Hoàng Linh G. (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) tiết lộ "lướt sóng" chứng khoán mấy tháng qua cũng mang lại cho anh lợi nhuận rất khá. Danh mục đầu tư của anh G. luôn duy trì trạng thái tỷ lệ 3 - 1 (3 phần cổ phiếu - 1 phần tiền mặt để lưu động).

Giữa tháng 3, anh mua gần 30.000 cổ phiếu ACM với giá 1.800 đồng/cổ phiếu. Ngày 12/4, anh bán toàn bộ với giá 3.800 đồng/cổ phiếu. Mặc dù ACM vẫn còn tăng giá liên tục 3 phiên sau đó mới chịu giảm nhưng quan điểm "ăn non", "thoát hàng" an toàn nên anh không ham như các nhà đầu tư khác.

Chốt phiên thời điểm đó, ACM tăng 2,6 lần chỉ trong đúng 1 tháng. "Sóng" ACM đã mang lại cho anh G số tiền lãi 54,6 triệu đồng, cao hơn cả số vốn ban đầu bỏ ra là 48 triệu đồng.

Không có nhiều thời gian tham gia lướt sóng như anh G., anh Hoàng Đình Q. (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chọn một số mã cổ phiếu lớn trên sàn thuộc ba nhóm ngành mà anh được nhân viên công ty chứng khoán tư vấn mua dài hạn là ngân hàng, tiêu dùng và nguyên vật liệu xây dựng. Đến nay, sau 4 tháng, 4 mã cổ phiếu anh Q. nắm giữ đã tăng lần lượt là 31%, 15%, 19% và 30%.

 

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết, so với lãi suất tiết kiệm có lãi suất quá thấp và kênh vàng đang bấp bênh thì chứng khoán vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ở thời điểm này.

"Năm 2021 tiếp tục hội tụ hai yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán là lãi suất thấp và dòng tiền đổ vào chứng khoán nhiều hơn. Nhờ dòng tiền mới, lượng giao dịch ký quỹ hiện đạt đỉnh 90 nghìn tỷ đồng nhưng thị trường vẫn rất ổn định. Lãi suất cũng đang làm cho việc định giá cổ phiếu, nhất là cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu tốt hơn", ông Nam nói.

Ngoài ra, ông Nam cũng đề cập các yếu tố định tính khác như tính chất dễ giao dịch, thanh khoản rất cao 400 - 500 tỷ đồng/phiên, nhà đầu tư cá nhân có số tiền lớn hay nhỏ đều có thể tham gia giao dịch, tính minh bạch hơn hẳn các thị trường khác là vàng hay bất động sản, có dữ liệu quá khứ của doanh nghiệp, dữ liệu thống kê lịch sử giá giao dịch qua từng thời kỳ… giúp nhà đầu tư dễ dàng tham khảo.

"Quan trọng là lợi nhuận đang hấp dẫn hơn các kênh khác", ông Nam nói và thông tin số lượng tài khoản mở mới tháng 3 vừa qua đạt con số kỷ lục của lịch sử thị trường với gần 120.000 tài khoản. Thêm nữa, khả năng phục hồi của các doanh nghiệp trên sàn đang rất tốt, lợi nhuận năm 2021 của các doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng 15 - 20%, mang lại kỳ vọng cho nhà đầu tư.

Một số mã, ngành triển vọng tốt được Giám đốc khối phân tích TVSI đề xuất là nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, ngành công nghệ, nguyên vật liệu cơ bản, logistics và cảng biển, hay các doanh nghiệp được hưởng lợi từ một số hàng hóa tăng giá trên thị trường như gạo, mía đường, sắt thép và một số hàng hóa cơ bản khác.

Tuy nhiên, ông Nam cũng khuyến cáo một số nhà đầu tư mới tham gia thị trường bởi chứng khoán là kênh đầu tư đòi hỏi trình độ chuyên môn, cần hiểu biết kiến thức thị trường lẫn hiểu biết về doanh nghiệp để sàng lọc doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả. Nhà đầu tư mới cần bình tĩnh, tìm hiểu từ từ, chỉ đầu tư vào những doanh nghiệp đã tìm hiểu kỹ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm