Hợp đồng thuê đất 999 năm của Mỹ ở thành phố đắt đỏ nhất hành tinh

(Dân trí) - Chính phủ Mỹ hiện đang sở hữu nhiều căn hộ cao cấp cùng với hợp đồng thuê đất có hiệu lực 999 năm cho tổng lãnh sự quán tại Hồng Kông với tổng giá trị lên đến 5,3 tỷ USD.

Tháng 4/1999, chưa đầy 2 năm sau khi Hồng Kông chính thức trở lại là lãnh thổ của Trung Quốc, chính phủ Mỹ và Đặc khu trưởng Tung Chee-hwa đã ký kết một thỏa thuận bất động sản khác thường.

Hợp đồng này đã gia hạn thỏa thuận thuê đất ở số 25 đường Garden, quận Central, nơi đặt Tổng lãnh sự quán Mỹ từ năm 1950 giữa chính quyền bảo hộ Anh với chính phủ Mỹ từ 75 năm lên 999 năm với số tiền cho thuê là 44 triệu HKD, theo tài liệu từ Cơ quan Đất đai Hồng Kông.

Hợp đồng thuê đất 999 năm của Mỹ ở thành phố đắt đỏ nhất hành tinh - 1
Phía ngoài của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông. Ảnh: SCMP

Thỏa thuận cho thuê đất năm 1950 bao gồm một điều khoản rằng chính quyền bảo hộ của Anh cho phép Mỹ mua lại khu đất này dưới dạng bất động sản vô thời hạn. Đồng thời, phí Mỹ cũng được phép gia hạn thêm 75 năm sau khi kết thúc thời hạn thuê ban đầu kí kết.

Hợp đồng thuê đất thời hạn một thiên niên kỷ

“Hiếm thấy một hợp đồng thuê đất nào có thời hạn dài đến như vậy ở Hồng Kông sau năm 1997”, Lilian Chiang, một nhân vật cấp cao trong hãng luật Deacons, cho biết gần như mọi khu đất tại đặc khu đều thuộc diện sở hữu có thời hạn, trừ Thánh đường St. John, với thời hạn cho thuê 50 năm.

Khu đất này chiếm gần một nửa tổng giá trị số bất động sản mà chính phủ Mỹ đang nắm giữ tại đặc khu của Trung Quốc là 41 tỷ HKD (khoảng 5,3 tỷ USD). Chính phủ Mỹ đồng thời là một trong những chủ sở hữu bất động sản nước ngoài lớn nhất tại Hồng Kông, bao gồm nhiều villa và căn hộ hạng sang đã thuê từ thời hòn đảo do Anh quản lý.

Sáu tháng trước khi Hồng Kông chính thức được Anh bàn giao cho Trung Quốc vào tháng 7/1997, chính phủ Mỹ đã ngỏ ý với chính quyền thành phố về việc họ muốn mua lại Tổng lãnh sự quán làm lô đất vô thời hạn.

Lời đề nghị này sau đó đã bị từ chối. Sau đàm phán, hợp đồng thuê được điều chỉnh vào năm 1999 loại bỏ điều khoản mua này và điều chỉnh thời hạn lên 999 năm với giá thuê cố định.

“Thời điểm đó, quyền sở hữu vô thời hạn mâu thuẫn với chính sách đất đai của chính quyền. Sau khi tham vấn tư vấn pháp lý và tôn trọng nghĩa vụ hợp đồng quy định trong thỏa thuận thuê, chính quyền Hồng Kông, sau khi được ủng hộ từ Hội đồng Lập pháp vào năm 1999, đã đồng ý cho phép thay việc mua quyền sở hữu vô thời hạn bằng một điều chỉnh thuê thời gian dài với điều khoản cố định”, Cơ quan Đất đai Hồng Kông cho biết.

Mỹ- một trong những chủ sở hữu bất động sản nước ngoài lớn nhất tại Hồng Kông.

Quận Central của Hồng Kông, trung tâm tài chính của cả đặc khu, cũng là khu vực có giá bất động sản đắt đỏ nhất thế giới.

Tổng diện tích khu đất của tổng lãnh sự quán Mỹ lên đến 5.700 m2, nằm giữa khu nhà dành cho đặc khu trưởng Hồng Kông và tòa nhà văn phòng chính quyền đặc khu.

Nếu được xây dựng thành một khu nhà cao tầng, giá trị khu đất mà tổng lãnh sự quán Mỹ tọa lạc được ước tính có giá trị lên đến 24,7 tỷ HKD (gần 3,2 tỷ USD). Nếu xây dựng thành một tòa nhà văn phòng, giá trị khu đất có thể lên đến 32,4 tỷ HKD (hơn 4,1 tỷ USD), theo Vincent Cheung, Giám đốc công ty Vincorn Consulting & Appraisal.

Khu đất này chiếm gần một nửa tổng giá trị số bất động sản mà chính phủ Mỹ đang nắm giữ tại đặc khu của Trung Quốc là 41 tỷ HKD (khoảng 5,3 tỷ USD).

Chính phủ Mỹ đang sở hữu 6 biệt thự tại số 37 đường Shouson Hill, với giá thị trường từ 3,1-5 tỷ HKD. Một căn đã được bán vào ngày 31/7/2019. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó cho biết bất động sản được bán để đầu tư cho những tài sản khác mà chính phủ sở hữu ở Hồng Kông, bao gồm tòa nhà tổng lãnh sự quán.

Hợp đồng thuê đất 999 năm của Mỹ ở thành phố đắt đỏ nhất hành tinh - 2
6 biệt thự tại số 37 đường Shouson Hill, với giá thị trường từ 3,1-5 tỷ HKD thuộc quyền sở hữu của chính phủ Mỹ. Ảnh: SCMP

Mỹ còn có một bất động sản tại số 3 đường Barker, gần trường quốc tế Đức - Thụy Sĩ và nhà dành cho Cục trưởng Tư pháp Hồng Kông. Giá trị bất động sản này khoảng 3 tỷ HKD. Hiện đây là nhà dành cho tổng lãnh sự Mỹ ở đặc khu.

Hợp đồng thuê đất 999 năm của Mỹ ở thành phố đắt đỏ nhất hành tinh - 3
Một bất động sản của Mỹ tại số 3 đường Barker, gần trường quốc tế Đức - Thụy Sĩ và nhà dành cho Cục trưởng Tư pháp Hồng Kông. Ảnh: SCMP

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ còn có 13 căn hộ tại tòa nhà 25 tầng ở Wilshire Park, được mua từ năm 1992. Tổng giá trị các căn hộ hiện nay khoảng 700 triệu HKD.

Cách đó không xa là một căn hộ rộng hơn 310 m2, trị giá 140 triệu HKD, thuộc khu nhà Grenville House. Bất động sản này đã được Mỹ mua từ năm 1979. Một căn hộ khác trị giá gần 40 triệu HKD ở đường Cloud View cũng được đăng ký sở hữu bởi chính phủ Mỹ, với diện tích hơn 185 m2.

Trong khi đó, tổng giá trị những bất động sản được đăng ký bởi văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông chỉ rơi vào khoảng 3 tỷ HKD (hơn 387 triệu USD). Mức chênh lệch gấp 10 lần dù theo thống kê hiện đang giữ quyền sử dụng khoảng 722 căn hộ, 12 văn phòng, 8 điểm thương mại, 10 tòa nhà và 15 bãi đỗ xe trong thành phố.

Hương Vũ

Theo SCMP