Hóa giải những con đường "đắt nhất hành tinh"
Hà Nội vẫn đang loay hoay tìm giải pháp để hóa giải những tuyến đường có chi phí xây dựng "đắt nhất hành tinh" mặc dù mô hình thu hồi đất hai bên đường để bán đấu giá đã được đặt ra từ lâu.
Sau TPHCM, mới đây Sở TN&MT Hà Nội cũng đang xây dựng kế hoạch thu hồi đất 2 bên đường để tìm lời giải cho bài toán những tuyến đường "siêu đắt đỏ". Chúng tôi đã trao đổi với TSKH KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam về nội dung này.
- Thưa ông, Luật Thủ đô đã có đề cập đến việc thu hồi đất 2 ven đường mới mở để đấu giá, nhưng có vẻ câu chuyện lại ngày càng "tắc"?
Luật Thủ đô có hiệu lực từ tháng 7/2013 đã nêu rõ khi lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông mới trên địa bàn Thủ đô phải bảo đảm phạm vi lập quy hoạch mở rộng mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến đường dự kiến thêm 50 hoặc 100m theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị.
Căn cứ vào yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô và kết quả lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, UBND thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc quy hoạch.
Tuy nhiên, thực tế triển khai quy định này cũng đặt ra vấn đề là muốn giải phóng mặt bằng để xây các dự án thì buộc phải có quỹ nhà tái định cư cho người dân để họ có cuộc sống ổn định. Thế nhưng, thời gian cứ trôi, còn chúng ta vẫn chưa làm được theo Luật đã nói, nhà tái định cư chưa xong, đền bù cho dân chưa thỏa đáng nên họ do dự không di dời...
- Phải chăng việc quy hoạch đi trước "quá xa" so với năng lực triển khai thực tế đang vô tình đẩy giá đền bù đất khi triển khai các dự án hạ tầng giao thông, thưa ông?
Hiện nay nhiều tuyến đường của TP. Hà Nội được gọi là "đắt nhất hành tinh" bởi trong quy hoạch những năm 1998 chưa triển khai đồng bộ kết nối. Nhiều tuyến đường quy hoạch dang dở đến 20 năm có khi vẫn chưa làm xong. Trong khi đó, giá đất lại điều chỉnh theo hàng năm khiến đội kinh phí giải tỏa.
Thực tế cho thấy, dân cư trong khu vực đã quy hoạch không kiểm soát được mà ngày càng tăng cao, đất bị chia tách hộ, mua đi bán lại hoặc thừa kế tài sản. Thêm nữa là sau giải phóng mặt bằng, giá trị đất mặt phố tăng lên chóng mặt, nhiều người lại xây nhà định cư siêu mỏng, siêu méo. Kết quả là giá đất càng tăng, chuyện giải tỏa đền bù lại càng khó khăn hơn. Tóm lại gốc của vấn đề là ở quy hoạch sau giải phóng mặt bằng chưa có.
Chính thực trạng này đã tạo ra cho TP Hà Nội những tuyến đường với kinh phí xây dựng thuộc hàng đắt đỏ nhất nhì thế giới như: mỗi mét mặt đường trên tuyến Đường Hoàng Cầu - Voi Phục có giá lên tới 3,5 tỷ đồng; Đường Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái khoảng 2 tỷ đồng; Đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy) với 1,94 tỷ đồng; Đường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) 1,4 tỷ đồng; Đường Xã Đàn - Kim Liên (quận Đống Đa) là 1,16 tỷ đồng.
Vậy đâu sẽ là giải pháp "vẹn cả đôi đường" cho vấn đề này, thưa ông?
Những tuyến đường "đắt đỏ nhất hành tinh" chỉ là một phần trong các thách thức đặt ra trong việc hiện thực hóa quy hoạch vào thực tiễn. Quy hoạch dù có chất lượng tốt với những phân khu chức năng, những tuyến đường được bố trí tối ưu nhưng không thể để bị "treo" quá lâu. "Om quy hoạch" khi thực hiện thì tất yếu sẽ làm đội suất đầu tư lên nhiều lần so với tính toán ban đầu.
Đối với vấn đề chi phí mở đường quá cao, mấu chốt là việc quy hoạch triển khai các dự án làm đường phải đồng thời quy hoạch hai bên tuyến đường. Hà Nội cũng có một số dự án đang tính đến việc mở rộng thêm 2 bên đường để bán đấu giá.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề đấu giá đất hai bên đường, đối với vấn đề thực hiện quy hoạch chung của Hà Nội, Thành phố cần thực hiện tốt công tác rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. Đây chính là chìa khóa để gỡ nút thắt phát triển đô thị.
Bởi khi mở rộng thu hồi đất hai bên đường sẽ phát sinh thêm các khu tái định cư. Cùng với đó, tổ chức đấu giá đất thu hồi vốn cũng là những hoạt động cần tính toán, định lượng trước được sự biến động thị trường bất động sản, biến động xã hội để khắc phục tình trạng lãng phí và ổn định xã hội.
- Xin cảm ơn ông!