Hồ sơ chủ đầu tư và thiết kế đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập
(Dân trí) - Đại diện chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án Thăng Long - Bộ Giao thông vận tải. Đơn vị tư vấn thiết kế dự án là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533.
Gần đây, thông tin cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây gặp sự cố ngập sâu vào sáng ngày 19/7 tại đoạn km25+300 - km25+400 qua địa phận xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, Bình Thuận gây xôn xao dư luận.
Đoạn ngập này dài 100m, vị trí sâu nhất 1m. Sự cố ngập sâu khiến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây kẹt xe kéo dài nhiều km trong hơn 4 giờ.
Ai là chủ đầu tư dự án?
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khởi công tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, đưa khai thác từ 29/4. Tuyến cao tốc có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai.
Chủ đầu tư dự án này Bộ Giao thông vận tải. Đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Thăng Long - Bộ Giao thông vận tải.
Tên ban đầu của đơn vị này là Ban kiến thiết cầu Chèm, sau đó đổi tên thành Ban quản lý dự án công trình Thăng Long ngày 17/1/1972. Lịch sử của Ban quản lý này gắn với cầu Thăng Long - cây cầu được xây dựng trong 11 năm - từng là cây cầu dài và đẹp nhất Đông Nam Á.
Ngày 31/5/2017, Bộ Giao thông vận tải ký Quyết định hợp nhất Ban quản lý dự án 1 và Ban quản lý dự án Thăng Long.
Các dự án trọng điểm của Ban quản lý dự án Thăng Long có thể kể đến như dự án nâng cấp, mở rộng QL1, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, dự án vành đai 3 TP Hà Nội đoạn Linh Đàm - Nam Thăng Long, cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, dự án nâng cấp, cải tạo đường băng sân bay Tân Sơn Nhất.
Doanh nghiệp nào tư vấn thiết kế dự án?
Chiều 31/7, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận đã chủ trì cuộc họp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan để bàn giải pháp khắc phục tình trạng ngập nước nói trên.
Tại cuộc họp, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533 (TECCO 533), đơn vị tư vấn thiết kế dự án, khẳng định thiết kế dự án đúng theo các quy định và được thẩm tra kỹ.
Theo thông tin tự giới thiệu, doanh nghiệp này được thành lập ngày 6/6/1996. Dự án tiêu biểu của đơn vị này là cầu quay Sông Hàn và cầu Thuận Phước tại TP Đà Nẵng.
Thông tin từ Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, TECCO 533 đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 1/7/2005. Trụ sở chính tại Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Vốn điều lệ là 210,2 tỷ đồng.
Người đại diện pháp luật là ông Huỳnh Trung Nhân, sinh năm 1969. Ông Nhân còn là người đại diện của Công ty cổ phần Hợp tác thương mại Sơn Dũng Bảo (TP Đà Nẵng), Trung tâm giao dịch địa ốc Vạn Phát - Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533 (TP Đà Nẵng), Công ty TNHH Đầu tư 533 miền Trung (tỉnh Quảng Bình), Công ty TNHH 533 Evergreen (tỉnh Quảng Nam).
Khá ít thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này. Theo Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp, năm 2021, đơn vị tư vấn vay 904 triệu đồng của Công ty TNHH Một thành viên tài chính Toyota Việt Nam, tài sản đảm bảo là 1 chiếc xe ô tô. Tháng 7/2022, đơn vị có một khoản vay tại TPBank, tài sản đảm bảo là xe ô tô Toyota Fortuner.