Hết "đất vàng", nhà đầu tư không còn mặn mà mua doanh nghiệp cổ phần hóa
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết khi không còn địa tô chênh lệch, các doanh nghiệp không còn muốn mua các doanh nghiệp Nhà nước.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng ngày 6/11, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về việc thoái vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn rất chậm, chỉ bằng một phần nhỏ kế hoạch đề ra.
Đại biểu nêu thông tin cơ quan chức năng kết luận nhiều doanh nghiệp sai phạm trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại doanh nghiệp, gây thất thoát lớn. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng về nguyên nhân, trách nhiệm trong thực trạng này.
Trong phiên trả lời chất vấn chiều ngày 6/11, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận cổ phần hóa trong nhiệm kỳ này chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có 3 nguyên nhân cơ bản nhất.
Thứ nhất, khi các doanh nghiệp muốn mua doanh nghiệp cổ phần hóa thì sẽ nhìn vào các khu "đất vàng". Bây giờ Nghị quyết 60 của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ quy định không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thuê sang đất ở. Vì vậy rõ ràng sẽ không còn địa tô chênh lệch, thì doanh nghiệp người ta không mua các công ty.
Thứ 2 là phương án sử dụng đất, gần như các chính quyền địa phương không phê chuẩn. Bởi vì việc chuyển mục đích sử dụng từ đất thuê sang đất ở đã bị nghiêm cấm.
Thứ 3 là tính quyền sử dụng đất vào trong giá trị doanh nghiệp các giá trị tài sản khác cần thẩm định giá... Điều này tạo nên các rủi ro trong phương án cổ phần hóa. Các Bộ ngành, doanh nghiệp vì đó chưa trình các phương án cổ phần hóa nên gây ra chậm trễ trong vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Trình bày về việc chậm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá nhiệm kỳ trước và nửa nhiệm kỳ này, việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần, thoái vốn diễn ra chậm.
"Giai đoạn trước chúng ta chỉ thực hiện được 30%, còn 10 tháng năm nay chúng ta thực hiện được kết quả khiêm tốn", Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng nêu một số nguyên nhân. Thứ nhất là bất ổn của thị trường tài chính trong nước, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19, làm công tác cổ phần hóa cũng như nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư bị hạn chế. Đặc biệt, đặc thù của các doanh nghiệp cổ phần hóa hiện nay là các doanh nghiệp còn lại rất khó khăn và những doanh nghiệp quy mô lớn.
Trong thời gian vừa qua, có những doanh nghiệp, tổng công ty khi cổ phần hóa thì sự tham gia của xã hội không nhiều. Thậm chí những doanh nghiệp xã hội hóa cũng chỉ được 1% ví dụ Cienco 1, Cienco 2, Cienco 3.
Hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện tham gia cung ứng dịch vụ công ích do đó việc cổ phần hóa cũng rất khó khăn. Đặc biệt, trình tự thủ tục các quy định liên quan vấn đề này rất phức tạp.
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo và tiếp tục thực hiện chỉ đạo các giải pháp. Các vị đại biểu thấy Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều cuộc làm việc và chỉ đạo các ngành, các cấp chỉ đạo đẩy nhanh các cấp trong thời gian tới, tiếp tục rà soát, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt liên quan đến đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.